Tỉnh Lào Cai bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống

An Kiên
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Lào Cai hiện có 30 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống, chủ yếu là thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, làm hương, mây tre đan, rèn đúc...

Việc giữ gìn và phát triển các làng nghề và nghề truyền thống vừa góp phần phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, vừa cải thiện đời sống người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tỉnh Lào Cai bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống - ảnh 1Phụ nữ Tày xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh:dangcongsan.vn

Một số nghề, làng nghề truyền thống ở Lào Cai đã trở thành thương hiệu, nổi tiếng. Đó là làng nghề thổ cẩm với các địa chỉ đã được du khách biết đến như làng nghề may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Trồ (xã Y Tý, huyện Bát Xát); làng nghề may, thêu thổ cẩm thôn Nì Xỉ (xã Pha Long, huyện Mường Khương); làng dệt thổ cẩm của người Tày xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); làng dệt thổ cẩm của người Giáy xã Tả Van (thị xã Sa Pa); làng dệt vải của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương). Lào Cai còn có nhiều nghề truyền thống khác có thể trở thành sản phẩm du lịch như nghề đan lát của dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý (huyện Bát Xát); nghề rèn đúc lưỡi cày của người Mông xã Bản Phố và xã Na Hối (huyện Bắc Hà); nghề làm hương của người Giáy ở huyện Bát Xát và người Mông ở huyện Si Ma Cai. Đặc biệt, hàng thổ cẩm của Câu lạc bộ Thổ cẩm phụ nữ Xa Phó, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa đã xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Italy, Pháp, Nhật Bản, Australia…

Câu lạc bộ liên thế hệ mây tre đan xã Mường Bo, thị xã Sa Pa với lực lượng nòng cốt là người cao tuổi. Sau 1 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã ra mắt được loạt sản phẩm vừa truyền thống, vừa hiện đại. Ngoài các sản phẩm là vật dụng thiết thực hàng ngày như mẹt, sàng, rổ giá, nơm, những sản phẩm bắt mắt với hoa văn tinh xảo như giỏ đựng hoa quả, chụp trang trí bóng đèn được thị trường đón nhận.

Tỉnh Lào Cai bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống - ảnh 2ghề đan lát của dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý (huyện Bát Xát). Ảnh: baodantoc.vn

Ông Nông Văn Học, thành viên Câu lạc bộ mây tre đan xã Mường Bo, chia sẻ: "Mỗi người làm một công đoạn, người chẻ lạt, người đan. Muốn sản phẩm đẹp, được khách ưa chuộng thì chúng tôi bảo nhau, giúp nhau để làm được sản phẩm độc đáo nhất, kiên trì làm, khách yêu cầu làm sản phẩm gì là làm được ngay."

Ở tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, có một nhóm cùng sở thích gồm 4 thành viên, chuyên thêu, may các sản phẩm thổ cẩm và trang phục truyền thống người Tày đang hoạt động hiệu quả. Sản phẩm bán rất được khách du lịch ưa chuộng, mang lại thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên.

Chị Hoàng Thị Trúc, thành viên của nhóm, cho biết: "Chúng tôi mỗi người làm một công đoạn, người cắt may, người thêu, nhưng nếu ai làm chậm hơn không kịp thì lại hỗ trợ giúp đỡ nhau. Những ngày mùa thì chúng tôi mới nghỉ, thời gian còn lại thì tập trung ở đây làm, công việc nhẹ nhàng mà thu nhập cũng ổn định."

Theo ông Doãn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Võ Lao, nghề thêu may của người Tày hoàn toàn có tiềm năng phát triển, nếu kiên trì phát huy. Bởi không chỉ khách du lịch mà ngày càng nhiều người sử dụng sản phẩm truyền thống: "Công việc của nhóm không chỉ tạo ra các sản phẩm bán ra thị trường, mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Chính quyền xã cũng định hướng các cô các bác truyền đạt, hướng dẫn lại cho lớp con cháu để có thể gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc."

Đến nay, tỉnh Lào Cai có hơn 120 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 150 sản phẩm OCOP. Ngành du lịch của Lào Cai trong những năm qua phát triển rất mạnh, thu hút ngày càng nhiều du khách nên các làng nghề có điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của tỉnh Lào Cai xác định rõ phát triển sản phẩm theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Feedback