Tại các đô thị lớn ở nước ta hiện nay, nhu cầu giúp việc gia đình đang ngày càng gia tăng và là nghề phổ biến đối với lao động nữ di cư. Mặc dù Bộ luật Lao động sửa đổi quy định phải có hợp đồng lao động văn bản, song trên thực tế, cả người giúp việc và gia chủ đều chưa thấy được lợi ích này và không muốn bị ràng buộc pháp lý, cho nên việc ký hợp đồng không dễ (hơn 90% hợp đồng bằng miệng).
Lao động giúp việc thường được "thỏa thuận miệng" về mức lương. Ảnh:VOV |
Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho biết, 70% lao động giúp việc gia đình tiềm năng chưa biết đến các quy định pháp luật liên quan quyền lợi người lao động. Đây là một trong những lý do dẫn đến 97% lao động giúp việc không tham gia bảo hiểm xã hội. Và, hiện nay chỉ có 19,5% lao động giúp việc gia đình có bảo hiểm y tế nhưng phần lớn tự mua hoặc thuộc diện Nhà nước chi trả (hộ nghèo, gia đình chính sách).
Vì vậy, cần có những quy định bảo vệ quyền lao động giúp việc gia đình với những nội dung nêu rõ trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng. Bàn về bản hợp đồng tiêu chuẩn, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTB&XH Tống Thị Minh nhấn mạnh đến các nội dung: Tiền lương lao động giúp việc gia đình theo thỏa thuận nhưng đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu tính theo vùng. Tiền lương làm thêm giờ, tiền lương ngừng việc phải được thực hiện theo quy định chung của pháp luật lao động. Lao động giúp việc gia đình được nghỉ ít nhất 1 ngày trong 1 tuần, khi làm việc đủ 12 tháng/năm sẽ được nghỉ phép 12 ngày, hưởng nguyên lương. Khi thực hiện ký hợp đồng lao động, người lao động giúp việc gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho chủ sử dụng lao động. Trong quá trình làm việc, luôn tuân thủ các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Khi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì người giúp việc phải có trách nhiệm bồi thường.