Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách của Nhà nước Việt Nam lâu nay được người dân biết đến. Thế nhưng, có một bộ phận lao động di cư lại không quan tâm hoặc không biết dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những chính sách an sinh xã hội.
Lao động nữ di cư được tuyên truyền về an sinh xã hội. Ảnh: laodongthudo.vn |
TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết: Xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng. Năm 1989 mới có 1,3 triệu người di cư, nhưng đến 2009, con số này đã tăng lên 3,4 triệu người. Đến 2019, dự báo có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm khoảng 5% dân số. Trong đó, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng, trong đó tỷ lệ lớn không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào. Việc mở rộng cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tuy nhiên, số người tham gia các loại hình bảo hiểm, tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội chưa cao do nhiều rào cản.
Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ lao động di cư ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư. Loại bỏ các quy định về phân biệt đối xử quốc tịch; tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về lao động di cư. Ngoài ra, cần giúp đỡ lao động di cư tiếp cận dần với các chính sách an sinh xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động.