Sách trắng về quyền con người với chủ đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố đầu năm 2018, không chỉ nêu những thành quả về nhân quyền của đất nước, mà còn công khai quan điểm, nhận thức và cả những việc Việt Nam tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhằm đạt tới thành quả lớn hơn trong việc thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Sách trắng về quyền con người với chủ đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố năm 2018. - Ảnh. Nguoilaodong |
Trong sách trắng về quyền con người năm nay, Việt Nam cung cấp các thông tin cập nhật về luật pháp, chính sách, nỗ lực và thành tựu về quyền con người, cũng như thách thức cần vượt qua và những ưu tiên cần thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.
Thành tựu không thể phủ nhận về quyền con người
Năm 2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách “Thành tựu bảo vệ và phát triển các quyền con người ở Việt Nam”. Từ đó đến nay, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển quyền con người, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.
Trên thực tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo các quyền dân sự và chính trị của người dân bao gồm: quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin, quyền tự do hội họp và lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền của đồng bào các dân tộc ít người, quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể, bảo đảm quyền tự do đi lại và cư trú. Việt Nam cũng thực hiện tốt các quyền con người về kinh tế, văn hoá và xã hội bao gồm: quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân, quyền về xã hội, quyền được chăm sóc y tế.
Việt Nam cũng bảo đảm quyền nhóm yếu thế trong xã hội, thể hiện ở chỗ đảm bảo quyền của phụ nữ, xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, bảo đảm quyền trẻ em, bảo đảm quyền của người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam, bảo đảm quyền của người cao tuổi. Việc Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2014 với số phiếu ủng hộ cao nhất trong số các nước ứng cử cùng thời điểm đó là minh chứng cho thấy những thành tựu to lớn về nhân quyền của Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
Công khai 7 ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người
Cùng với việc khẳng định các thành tựu về nhân quyền, sách trắng năm nay của Việt Nam công khai 7 hướng ưu tiên trong thời gian tới nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền con người. Theo đó, Việt Nam tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật để thực hiện tốt hơn các quyền cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Chính phủ cũng đẩy mạnh việc phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với các loại hình an sinh xã hội. Nhà nước sẽ cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người, nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này. V
iệt Nam tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới do đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần cũng sẽ được triển khai. Cuối cùng, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam về quyền con người
Sách trắng về quyền con người năm 2018 khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam về quyền con người. Đó là việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau.
Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người.
Sách trắng về nhân quyền của Việt Nam năm 2018 là tiếng nói mạnh mẽ đáp trả những luận điệu vu cáo Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, do các thành tựu của Việt Nam đã đạt được, và quan điểm về nhân quyền của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.