Quyền lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam được ghi nhận xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp mà Quốc hội Việt Nam thông qua từ trước đến nay. Quyền lập hội cũng được thực thi trong thực tế, cho thấy những ý kiến trái chiều về vấn đề này là thiếu khách quan, cố tình xuyên tạc vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. tuyengiao.vn |
Khi Việt Nam đang xem xét xây dựng Luật về hội theo quy trình, trong dư luận xuất hiện các số ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn còn "e dè" về quyền tự do lập hội, bởi ý tưởng xây dựng Luật về hội đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng. Những ý kiến khác đề nghị cần có “không gian dân sự” cho xã hội và không cần “kiểm soát” mọi hội, nhóm trong xã hội. Mới đây nhất, sau phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đài và đồng phạm vi phạm pháp luật hình sự, với tội danh lợi dụng việc đấu tranh “dân chủ, nhân quyền”, “xã hội dân sự” để che giấu mục đích hoạt động của “Hội anh em dân chủ”, một số tiếng nói lạc lõng lại xới lên vấn đề hội, nhóm và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
“Không gian dân sự” ở Việt Nam được đảm bảo
Thực tế, “không gian dân sự” cho xã hội đã và vẫn đang tồn tại ở Việt Nam. Kể cả khi chưa có Luật về hội thì trong xã hội Việt Nam cũng đã có rất nhiều hội, nhóm dân sự hoạt động. Tính đến hết năm 2017, Việt Nam có khoảng 68 ngàn hội hoạt động ở các lĩnh vực: nhân đạo, từ thiện, cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường... Cho đến nay, chưa hề có ai ngăn cản việc các cá nhân, tổ chức thành lập hội, nhóm hay kiểm soát, hạn chế các hội, nhóm ấy hoạt động, trừ phi các hội, nhóm có vi phạm pháp luật.
Ở khía cạnh pháp lý, quyền lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam được ghi nhận xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua từ trước đến nay. Điều 10 Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Điều 25 Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Điều 67 Hiến pháp năm 1980: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”.
Điều 69 Hiến pháp năm 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Và Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Lợi dụng quyền tự do lập hội để chống phá Việt Nam là trái pháp luật
Sở dĩ Việt Nam có một số lượng lớn các hội, tổ chức hội, hiệp hội… còn là do Nhà nước đã nỗ lực đảm bảo và phát huy tối đa mọi quyền lợi chính đáng của công dân, trong đó có quyền tự do lập hội theo tinh thần của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Khoản 1, Điều 22 của Công ước này nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Tuy nhiên, khoản 2 của Điều 22 lại chỉ ra rằng: “Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”. Những quyền được công ước quốc tế coi là quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội, cũng được Nhà nước Việt Nam bảo đảm bằng luật pháp. Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định rất rõ các tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Rõ ràng là không thể tùy tiện lập hội nếu việc lập hội phương hại đến lợi ích quốc gia và quyền tự do của người khác. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự lập hội và sẽ chẳng ai bị hạn chế nếu các hội ấy hoạt động thực sự vì con người, vì lợi ích của nhân dân.Tuy nhiên, thành lập các tổ chức độc lập để rồi trở thành đối lập với các tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam thì tự thân việc làm đó đã đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, vi phạm luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế. Điều này hiển nhiên không được chấp nhận ở Việt Nam.
Một số cá nhân đang được tung hô là những "nhà hoạt động chính trị", “ tù nhân lương tâm”…thực chất là những kẻ vi phạm pháp luật, bị xét xử công khai theo các tội danh của Bộ Luật Hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án Việt Nam xét xử những kẻ vi phạm pháp luật này, không phải là vi phạm nhân quyền, mà chính là nhằm bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật. Lập luận rằng rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền rõ ràng là đã cố tình xuyên tạc thực tế là Việt Nam đã và đang đảm bảo tốt quyền tự do lập hội, cả ở khía cạnh luật pháp và trên thực tế.