Việt Nam tôn trọng và đảm bảo tốt quyền tự do báo chí

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) -Sự phát triển của báo chí Việt Nam trong những năm qua cho thấy các chính sách về tự do báo chí của Việt Nam đã được thực thi có hiệu quả trên thực tế.

Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do báo chí, theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Sự phát triển của báo chí Việt Nam trong những năm qua cho thấy các chính sách về tự do báo chí của Việt Nam đã được thực thi có hiệu quả trên thực tế.

Việt Nam tôn trọng và đảm bảo tốt quyền tự do báo chí - ảnh 1Việt Nam tôn trọng và đảm bảo tốt quyền tự do báo chí 

Trên bình diện quốc tế, quyền tự do báo chí được quy định cụ thể trong luật pháp quốc tế. Điều 19, Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) đã khẳng định: Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Tuy nhiên, quyền này có thể phải chịu những hạn chế nhất định

Quyền tự do báo chí nhìn từ luật pháp quốc tế

Điều 19, ICCPR khẳng định: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, được quy định trong pháp luật, là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Điều 29, Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới cũng nhấn mạnh: “Trong khi thụ hưởng các quyền và tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung”.

 Pháp luật nhiều quốc gia cũng đã quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, theo đó, việc thực hiện quyền này phải trong khuôn khổ pháp luật. Ðiều 5, Hiến pháp Ðức quy định mọi người có quyền thể hiện quan điểm qua hình ảnh, lời nói, bài viết trên sách báo hay phát tán qua phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, Điều 18, Hiến pháp Ðức cũng nhấn mạnh: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.

Ngay ở nước Mỹ, một quốc gia vốn được coi là “đất nước của tự do báo chí”, Điều 2358, Bộ luật Hình sự Mỹ đã nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. 

Trong Hiến pháp Việt Nam 2013, quyền tự do ngôn luận, báo chí cũng được quy định tương thích với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Đó là: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Cùng với đó, những quy định trong Luật Báo chí của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận của công dân; về nghĩa vụ của cơ quan báo chí cũng hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về Quyền con người.

Luật pháp Việt Nam đảm bảo cho báo chí phát triển mạnh mẽ

Nhờ có hành lang pháp lý đúng đắn và tương thích với các luật pháp quốc tế nên báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, Việt Nam đã có 859 cơ quan báo in; 135 cơ quan báo điện tử; 258 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình. Không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam cũng có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn, báo chí lớn. Có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg... hoạt động ở Việt Nam. Hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức từ nhiều cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới.

Cho đến nay, Việt Nam được cho là quốc gia có tốc độ phát triển Internet và mạng xã hội hàng đầu khu vực. Theo thống kê, chỉ riêng Facebook, Việt Nam đã có 35 triệu người, bằng 1/3 dân số (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook. Có tới 21 triệu người truy cập mạng xã hội hằng ngày thông qua thiết bị di động. Nhiều cơ quan, tổ chức và công chức Việt Nam đã sử dụng mạng Facebook để trực tiếp liên hệ với người dân…

Báo chí là động lực cho sự phát triển của xã hội

Báo chí ở Việt Nam không chỉ được tự do phát triển mà còn tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ xã hội. Thời gian qua, báo chí góp phần không nhỏ vào thành công của công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam. Như vậy, tự do báo chí chính là một điều kiện cho sự phát triển của xã hội.

Đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, báo chí không chỉ là quyền cần phải bảo đảm hơn nữa còn được xem là một động lực cho sự phát triển của xã hội.Sự phát triển toàn diện kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian qua cho thấy những cáo buộc Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, thiếu tự do báo chí là vô căn cứ.

Feedback