Quyền bình đẳng phát triển giữa các dân tộc là biểu hiện sinh động của nhân quyền Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) -Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng chính sách dân tộc, đặc biệt là bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

Việt Nam là quốc gia với 54 dân tộc cùng chung sống. Với tỷ lệ dân số không đồng đều, 53 dân tộc ít người chỉ chiếm 14,3% dân số, khoảng hơn 12,3 triệu người trong tổng số hơn 90 triệu dân Việt Nam. Việc các dân tộc, dù ít hay nhiều người, chung sống bình đẳng như anh em ruột thịt trên đất nước Việt Nam, là một chỉ dấu về sự đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng chính sách dân tộc, đặc biệt là bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc; quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào các dân tộc phát triển và thụ hưởng các quyền lợi được pháp luật ghi nhận.

Quyền bình đẳng phát triển giữa các dân tộc  là biểu hiện sinh động của nhân quyền Việt Nam - ảnh 1Quyền bình đẳng phát triển giữa các dân tộc là biểu hiện sinh động của nhân quyền Việt Nam. Ảnh báo Biênphong 

Pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc

Quyền bình đẳng của các dân tộc được ghi nhận và khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ. Mới đây nhất, Hiến pháp năm 2013, bản hiến pháp nâng tầm chế định về quyền con người, quyền công dân, khi đề cập đến quyền bình đẳng giữa các dân tộc, khẳng định: “Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Hiến pháp năm 2013 nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Cũng theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” .

Nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc trong Hiến pháp được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, được thể chế và cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật.

Các quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc còn được thể chế hóa bằng chế định về Hội đồng Dân tộc, với nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Chính phủ Việt Nam có một cơ quan cấp bộ là Uỷ ban Dân tộc, chuyên trách công tác dân tộc.

Tại Việt Nam, công dân là dân tộc thiểu số được bảo đảm quyền tham gia hệ thống chính trị, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy, số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, cao hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng số dân là 14,35%.

Ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, Nhà nước Việt Nam triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện quyền bình đẳng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Điển hình là: Chương trình hành động 122 của Chính phủ về Công tác Dân tộc; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Giảm nghèo bền vững; Chương trình 135 về Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn; Quyết định 132  ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở; Quyết định 134  hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số…

Nhờ những chính sách ưu tiên này, tình hình kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Đến nay, tổng số hộ nghèo người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 5,97% tổng số hộ người dân tộc thiểu số trong cả nước. Chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của đồng bào được đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% xã có trạm y tế và cán bộ y tế, 100% số huyện có trung tâm y tế và bác sỹ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 25%. Một số dịch bệnh trước đây phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ngăn chặn và đẩy lùi.

Quyền của dân tộc thiểu số là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, được luật pháp Việt Nam công nhận. Trên thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên phát triển về mọi mặt, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Đây chính là những minh chứng cụ thể trong bảo đảm và thúc đẩy quyền của dân tộc thiểu số nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam.

Feedback