Quan hệ Mỹ - Iran chưa có lối ra

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kịch bản đối đầu quân sự giữa hai bên vẫn được nhận định là không cao.

Những ngày qua, quan hệ giữa Mỹ và Iran đột ngột căng thẳng trở lại với nhiều động thái cứng rắn của cả hai phía, gây quan ngại sâu sắc trong dư luận quốc tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, kịch bản đối đầu quân sự giữa hai bên vẫn được nhận định là không cao.

Một trong những động thái đáng chú ý nhất liên quan đến quan hệ Mỹ-Iran thời gian qua là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/5 đã phủ quyết dự luật buộc Tổng thống không được sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Iran khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội. Khi xây dựng dự luật này, phe Dân chủ đang thắng thế tại Hạ viện Mỹ cho rằng việc Tổng thống Trump ra lệnh sát hại Tướng Qassem Soleimani của Iran hồi đầu năm nay,khiến hai bên gia tăng căng thẳng và có thể dẫn tới một cuộc xung đột sâu rộng hơn.Trong khi đó, Tổng thống Trump nêu rõ dự luật do đảng Dân chủ đề xuất nhằm âm mưu gây chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới.Nhìn bề ngoài, có vẻ đây chỉ là vấn đề nội bộ của chính trường Mỹ, song trên thực tế, nó phản ánh thực trạng quan hệ hết sức gai góc giữa Washington và Tehran.

Những động thái cứng rắn từ cả hai phía

Đáng chú ý, chỉ một tuần trước đó (ngày 28/4), giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao tại Liên hợp quốccho biết Washington đã lưu hành một dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc về việckéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran dự kiến hết hiệu lực vào tháng 10/2020, một sự kiện rất được Tehran mong chờ. Tiếp đó, đích thân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng các hành động của Iran thời gian qua đã là đủ để Hội đồng bảo an gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này. Ngay cả trong trường hợp lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào tháng 10 năm nay, Mỹ cũng sẽ không cho phép Iran mua khí thông thường.Đặc biệt, ngay trước diễn biến này, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn tuyên bố rằng đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ bắn vào các "tàu vũ trang" của Iran với cáo buộc tàu Iran "quấy nhiễu" tàu Mỹ ở vùng Vịnh.

Quan hệ Mỹ - Iran chưa có lối ra - ảnh 1 Minh họa của The New Yorker

Đáp lại các động thái của Mỹ, giới chức Iran cũng liên tiếp đưa ra những thông điệp hết sức cứng rắn. Ngày 29/4, hãng thông tấn Tasnim dẫn lời người phát ngôn  các lực lượng vũ trang Iran Abolfazl Shekarchi cảnh báo rằng Tehran sẽ đáp trả tàn khốc nếu tàu Mỹ vi phạm lãnh hải Iran. Quan chức Iran chỉ trích Mỹ đã "gây nhiễu loạn" tại Vùng Vịnh, đồng thời cho rằng những đe dọa gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "chiến tranh tâm lý" nhằm mục đích thu hút sự chú ý của công chúng trước cuộc bầu cử tại Mỹ. Tiếp đến, ngày 4/5,phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố bác bỏ những nỗ lực "bất hợp pháp" của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran, đồng thời khẳng định “phản ứng của Iran đối với các biện pháp trái phép của Mỹ là rất kiên quyết". Ngày 6/5, Tổng thống IranHassan Rouhani tuyên bố Tehran sẽ có phản ứng mạnh tay (với Mỹ),nếu lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran lại được gia hạn.

Theo giới phân tích, những động thái leo thang căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran là đáng lo ngại, songít có khẳng năng dẫn đến một kịch bản tồi tệ là đối đầu quân sự.

Khó xảy ra đối đầu quân sự

Có khá nhiều lý do để nhận định rằng, căng thẳng Mỹ-Iran dù khó hạ nhiệt, nhưng có ít nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự. Thứ nhất là bởi bối cảnh hiện nay chưa nguy hiểmnhư thời điểm không quân Mỹ hạ sát Tướng Qassem Soleimanicủa Iran hồi đầu năm nay. Tình thế khi đó thậm chí đã được rất nhiều nguồn tin mô tả là “bên bờ vực chiến tranh”, nhưng điều tồi tệ nhất đã không xảy ra.

Thứ hai, quan trọng hơn là “nhu cầu” thúc đẩy biện pháp quân sự ở thời điểm này với cả hai phía gần như không có. Đặc biệt, Iran hiện đang ở vào tình thế hết sức khókhăn do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, rất cần đến sự trợ giúp quốc tế, bao gồm cả khoản vay khẩn cấp trị giá 5 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ Quốc tế(IMF).Bởi vậy, việc gia tăng đối đầu với Mỹ rõ ràng không có lợi cho Iran trong việc tiếp cận khoản tín dụng khổng lồ của IMF.Và trên thực tế, sau trong những phản ứng hết sức cứng rắn, giới chức Iran đã đưa ra một số phát ngôn khá ôn hòa hướng tới Mỹ. Mới nhất, ngày 10/5, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei khẳng định rằng, Tehran sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận trao đổi tù nhân đầy đủ với Washington.

Về phần mình, nước Mỹ cũng đang có những vấn đề lớn cần tập trung giải quyết, đứng đầu là việc đối phó đại dịch và vực dậy nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc đổ tiền bạc và hy sinh nhân lực cho bất kỳ hành động quân sự nào mà không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận,chắc chắn không phải là lựa chọn được ưu tiên.

Rõ ràng, khả năng đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran trong thời điểm hiện nay là không cao.Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc kéo dài căng thẳng hiện nay là hoàn toàn không có lợi cho chính hai nước cũng như cục diện vốn đang rất phức tạp tại Trung Đông.

Feedback