Đã hơn 48h trôi qua kể từ thời điểm Iran phát động cuộc tấn công tên lửa nhằm vào hai căn cứ tại Iraq có lính Mỹ đồn trú rạng sáng 8/1, chưa có thêm bất kỳ báo cáo mới nào về các động thái quân sự tiếp theocủacả hai bên. Thêm vào đó, hai bên liên tiếp đưa ra những thông điệp theo hướng “hạ nhiệt căng thẳng”, khiến dư luận có thể tạm thời yên tâm rằng nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran đang tạm lắng xuống.
Cả Mỹ và Iran đều không muốn chiến tranh xảy ra. Đây là nhận định của rất nhiều nhà phân tích và chuyên gia quân sự quốc tế đưa ra những ngày qua,thậm chí ngay cả trong những thời điểm căng thẳng tại Trung Đông được coi là lên đến đỉnh điểm với vụ không quân Mỹ sát hại Tướng Qassem Soleimani của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)sáng sớm ngày 3/1 và quân đội Iran đáp trả bằng vụ tập kích tên lửa vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq rạng sáng 8/1.Và thật may mắn, ở vào thời điểm gay cấn nhất, cả Washington và Tehran đều đã thể hiện những động thái hòa hoãn tích cực, giảm nhiệt đáng kể bầu không khí chiến tranh đang hừng hực tại khu vực.
Iran khẳng định “đã trả thù xong” và không muốn đẩy cao căng thẳng
Ngay sau đòn không kích bằng tên lửa nhằm vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq sáng sớm 8/1, giới chức Iran lập tức khẳng định “đã hoàn thành mục tiêu trả đũa Mỹ”, hàm ý sẽ không có thêm hành động quân sự mới dù vẫn cảnh báo sẽ trả đũa nếu Washington leo thang đối đầu. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter rằng Tehran đã "hoàn thành cuộc trả đũa" nhằm mục đích tự vệ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và "không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi cuộc xâm lược.
Trong khi đó, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei mô tả cuộc tập kích là "cú tát vào mặt" chính quyền Tổng thống Donald Trump và yêu cầu lực lượng Mỹ rời khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, Đại giáo chủ Khamenei tuyệt nhiênkhông đe dọa sẽ có thêm hành động quân sự, mà thay vào đólại ca ngợi tướng Soleimani là người "dũng cảm, suy nghĩ thấu đáo, thận trọng" trong cả chính trị và quân sự. Giới phân tích cho rằng việc Đại giáo chủ nhắc đến những điều này để "hợp lý hóa" việc Iran không tung thêm các đòn trả đũa nhằm vào Mỹ.
Ngoài ra, Iran cũng đã liên lạc với Mỹ thông qua ít nhất ba kênh, bao gồm Thụy Sĩ và các quốc gia khác, để truyền đạt thông điệp rằng Tehran đã "trả đũa xong" và chờ xem Washington sẽ phản ứng thế nào.
Mỹ phản ứng thận trọng
Ngay trong ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu về vụ Iran tập kích tên lửa vào hai căn cứ tại Iraq có lính Mỹ đồn trú, trong đó khẳng định không có binh sĩ Mỹ nào thương vong trong cuộc tấn công. Phát biểu này được coi là được coi là bước xuống thang quan trọng, dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không đáp trả quân sự với Iran và làm bùng lên ngọn lửa xung đột ở Trung Đông.Viết trên Twitter,Thượng nghị sĩ Rand Paul khẳng định "Tổng thống Trump không muốn một cuộc chiến không hồi kết".
Theo các nhà phân tích, yếu tố được Tổng thống Mỹ chú ý nhiều nhất trong vụ việc là không có thương vong trong cuộc tập kích. Điều này cộng với thông điệp "đã xong việc" của Tehran trước đó,khiến Tổng thống Trump kết luận rằng Iran đã "xuống nước". Bởi vậy, thay vì tuyên bố sẽ có hành động quân sự đáp trả, người đứng đầu Nhà Trắng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.
Tiếp đó, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ dẫn đầu ngày 9/1 đã thông qua nghị quyết về quyền lực chiến tranh với 224 phiếu thuận và 194 phiếu chống, trong đó yêu cầu Tổng thống Donald Trump chấm dứt hành vi thù địch quân sự với Iran, trừ khi được Quốc hội ủy quyền hoặc Mỹ phải đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang cận kề. Nghị quyết này không cần chữ ký của Tổng thống Trump, bởi nó được gọi là "nghị quyết đồng lòng".
Lo lắng và hoài nghi
Với các động thái mới nhất của cả Mỹ và Iran cũng như diễn biến trên thực địa, nhiều người tin rằng kịch bản một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm giữa hai bên đã được tạm thời loại bỏ. Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi và lo ngại về nguy cơ căng thẳng sẽ gia tăng trở lại tại Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa thông điệp sẽ không hoặc chưa tấn công trả đũa Iran vào tối 8/1 (theo giờ Việt Nam). Ảnh: AP |
Lo lắng này chủ yếu xuất phát từ tuyên bố của Tướng Mark Milley,Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) Milley rằng: tên lửa Iran trong vụ tấn công ngày 8/1 có ý đồ "giết lính Mỹ”.Chưa hết, Tướng Milley còn nói rằng ông và các quan chức quân đội Mỹ đánh giá nhiều khả năng các nhóm Hồi giáo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn, sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, khẳng địnhđó là một khả năng rất thực tế.Tuyên bố của Tướng Milley, quan chức quân sự hàng đầu của Lầu Năm Góc, được cho là nhằm ám chỉ khả năng Mỹ chưa hoàn toàn bỏ qua cho Iran sau vụ tập kích, bất chấp thông điệp ôn hòa từ phía Tổng thống Trump.