“Bờ vực chiến tranh”, “nguy cơ xung đột cận kề”, “đối đầu quân sự nguy hiểm”…, là những cụm từ mà truyền thông thế giới đang mô tả về tình thế đặc biệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran những ngày này.
Những kịch bản tồi tệ cùng nhiều hệ lụy nguy hiểm trong cuộc đối đầu nghẹt thở hiện nay giữa Washington và Tehran.
Người dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh ở Washington ngày 4-1 - Ảnh: AFP |
Sau vụ quân đội Mỹ không kích sát hại Tướng Qassem Soleiman của Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 3/1 vừa qua, căng thẳng tại khu vực Trung Đông được mô tả là đã lên tới đỉnh điểm, nguy cơ đối đầu quân sự Mỹ-Iran tăng cao chưa từng có. Theo nhiều nhà phân tích, cuộc không kích là đòn giáng mạnh chưa từng có tiền lệ vào Iran, có thể dẫn tới những kịch bản cực kỳ nguy hiểm.
Một cuộc chiến cục bộ
Giới quan sát cho rằng, với những diễn biến hiện nay, kịch bản nổ ra một cuộc đối đầu quân sự là khá cao và nhiều khả năng đó sẽ là một cuộc chiến cục bộ quy mô nhỏ. Một trong những kịch bản là Iran có thể nhắm đến các đại sứ quán Mỹ tại khu vực bằng hình thức tập hợp biểu tình quy mô lớn hoặc nã pháo, rocket để gia tăng áp lực. Ngoài ra, Tehran có thể kích động dân quân khắp khu vực, do chỉ huy quá cố lực lượng Quds đào tạo và hỗ trợ, để chống lại Mỹ.
Tehran cũng có thể tấn công tàu hàng và căn cứ Mỹ ở Vùng Vịnh, cũng như cơ sở hạ tầng của Arab Saudi và Israel, hai đồng minh lớn nhất của Washington ở khu vực, thông qua nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon hoặc dân quân Palestine. Điều này có nghĩa là sẽ lôi kéo thêm nhiều bên tham gia vào cuộc chiến và tình thế khi đó sẽ trở nên cực kỳ phức tạp, hệ lụy rất khó lường.
Nhưng đáng nói hơn, trong bất kỳ kịch bản nào, Mỹ chắc chắn sẽ đáp trả và quy mô các cuộc đáp trả sẽ phụ thuộc vào mức độ tấn công của Iran cũng như thiệt hại mà các cuộc tấn công đó gây ra.
Dấu chấm hết cho thỏa thuận hạt nhân Iran
Trước khi nói đến một cuộc đối đầu quân sự, cục diện căng thẳng hiện nay đang đẩy những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vào ngõ cụt. Từng được coi là thỏa thuận mang tính lịch sử khi chấm dứt một trong những hồ sơ gây căng thẳng nhất thế giới trong hàng thập kỷ và cũng là dấu mốc trong mối quan hệ luôn căng thẳng giữa Mỹ và Iran, văn kiện này đang đến gần hơn tới bờ vực đổ vỡ.
Thực tế, ngày 5/1, Iran tuyên bố sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận.
Truyền hình nhà nước Iran dẫn lời một người phát ngôn Chính phủ nói rằng nước này sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân về số lượng máy ly tâm để làm giàu urani mà họ có thể sử dụng, đồng nghĩa sẽ không có giới hạn đối với năng lực và cấp độ làm giàu urani hoặc quá trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran.
Đây được coi là bước đi mới nhất của Tehran trong việc rút lại các cam kết trong khuôn khổ JCPOA sau khi Mỹ sát hại Tướng Qassem Soleimani.
Dù không phải là thỏa thuận hoàn hảo, song JCPOA vẫn được coi là văn kiện quan trọng. Một khi thỏa thuận đổ vỡ, hệ lụy của nó không chỉ dừng lại ở việc mất đi một diễn đàn đối thoại giữa Iran và phương Tây, mà còn có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm tại khu vực và trên toàn thế giới.
Giá dầu thế giới tăng vọt và tâm lý lo sợ chiến tranh lan rộng
Trên bình diện kinh tế, căng thẳng Mỹ-Iran có thể đẩy giá dầu thế giới lên cao. Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC (Mỹ), một số nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group ngày 3/1 cho rằng giá dầu có thể tăng lên 80 USD/thùng, nếu căng thẳng địa chính trị leo thang làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Trung Đông. Việc giá dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn cho nền kinh tế các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ và kinh tế toàn cầu nói chung.
Ngoài ra, căng thẳng Mỹ-Iran đang khiến cho tâm lý lo sợ chiến tranh lan rộng trên thế giới. Tại Mỹ, sau vụ không kích hôm 3/1, nhiều người lo sợ một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông bùng phát và Mỹ có thể tái áp đặt chế độ nghĩa vụ quân sự để huy động thêm lực lượng đối phó Iran. Những ngày qua, thanh niên Mỹ lo ngại chiến tranh với Iran nổ ra, nên đã ồ ạt kiểm tra điều kiện tòng quân, làm sập trang web về dữ liệu nhập ngũ của Hệ thống Tuyển quân (SSS). Còn tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 5/1 đã chỉ đạo quân đội chuẩn bị sơ tán người dân nước này khỏi Trung Đông trong trường hợp căng thẳng bùng phát, trong khi Hàn Quốc cũng lên kế hoạch bảo vệ công dân tại khu vực.
Trước nguy cơ đối đầu quân sự cận kề tại Trung Đông, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã liên tiếp kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm leo thang tình hình và ngăn chặn chiến tranh nổ ra.