Liên hiệp quốc lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Báo cáo được LHQ công bố ngày 16/05 là bản cập nhật tới giữa năm của Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 1 năm nay.

Trong báo cáo về Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới, công bố ngày 16/05, Liên hiệp quốc (LHQ) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên, thách thức đang gia tăng với nhiều nền kinh tế đang phát triển.

Động lực từ các nền kinh tế lớn

Trong Báo cáo mới nhất, LHQ nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, do đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được LHQ nâng lên mức 2,7%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1, trong khi tăng trưởng năm sau được dự báo là 2,8%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Giải thích cho nhận định lạc quan này, ông Shantanu Mukherjee, Giám đốc Bộ phận phân tích kinh tế và chính sách, Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ (DESA) cho rằng một số nền kinh tế lớn và mới nổi tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong những tháng qua và tạo động lực đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Bên cạnh đó, việc các nền kinh tế lớn tiếp tục duy trì lãi suất cao để hạ nhiệt lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng góp phần cải thiện niềm tin vào tăng trưởng trong thời gian tới.

Liên hiệp quốc lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu - ảnh 1 Ông Shantanu Mukherjee, Giám đốc Bộ phận phân tích kinh tế và chính sách, Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ (DESA). Ảnh: un.org

Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, LHQ dự báo Mỹ có thể tăng trưởng 2,3% trong năm nay. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng được dự báo tăng trưởng 4,8% năm nay, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm. Những nền kinh tế mới nổi quan trọng khác là Brazil, Ấn Độ, Nga cũng được đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Trong các nền kinh tế lớn, chỉ có châu Âu là nhận đánh giá kém tích cực khi LHQ đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế tại Liên minh châu Âu (EU) từ 1,2% xuống còn 1%. Trái ngược với sự lạc quan, dù thận trọng, đối với các nền kinh tế lớn, LHQ đưa ra nhiều đánh giá tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt tại châu Phi, nơi LHQ nhận định có khoảng 20 quốc gia đang chìm trong nợ, trong khi các nền kinh tế lớn của châu lục, như: Ai Cập, Nigeria, Nam Phi tăng trưởng kém. Ông Shantanu Mukherjee nhận định: “Triển vọng với nhiều nước đang phát triển không thực sự lạc quan. Dự báo tăng trưởng các nước này trong năm nay và năm sau được chúng tôi nâng lên khoảng 3,3% nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Do đó, phần suy giảm chưa được bù đắp. Đáng chú ý, dự báo tăng trưởng của châu Phi và các quốc gia kém phát triển nhất trong năm nay đã bị hạ xuống 3,3%”.

Theo LHQ, các yếu tố chính tác động tiêu cực đến triển vọng của các nước đang phát triển là xu hướng suy giảm kéo dài từ năm 2021 đến nay của đầu tư và thương mại hàng hóa toàn cầu, hai lĩnh vực mà nền kinh tế các nước đang phát triển phụ thuộc rất nhiều. Cụ thể, tăng trưởng đầu tư toàn cầu năm nay dự báo chỉ đạt 2,8%, giảm mạnh so với con số 3,7% năm ngoái và 5,1% năm 2022. Tiếp theo, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn yếu. Kim ngạch thương mại hàng hóa sụt giảm liên tục kể từ giữa năm 2022 và tiếp tục giảm 5% trong năm ngoái. Việc đồng USD mạnh lên cũng trở thành gánh nặng đối với hoạt động nhập khẩu, nhất là tại các nước đang phát triển và trên thực tế giao dịch thương mại Nam-Nam đã giảm tới 7% năm ngoái. Đối với nhiều nước đang phát triển vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, đây là trở ngại lớn cho tăng trưởng.

Liên hiệp quốc lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu - ảnh 2Liên hiệp quốc (LHQ) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có nhiều yếu tố tích cực. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Rủi ro từ khủng hoảng khí hậu

Về tổng thể, dù nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu nhưng LHQ cũng đưa ra nhiều cảnh báo rủi ro, khi cho rằng tình hình lãi suất cao kéo dài tại nhiều nền kinh tế lớn, nợ xấu, rủi ro địa chính trị leo thang sẽ tiếp tục là những yếu tố đe dọa tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của nhiều quốc gia. Đặc biệt, LHQ đánh giá các tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đang đặt ra các thách thức nghiêm trọng về kinh tế, đe dọa xóa bỏ thành tựu phát triển trong nhiều năm của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs) và các đảo quốc nhỏ (SIDS). Do đó, theo Shantanu Mukherjee, Giám đốc Bộ phận phân tích kinh tế và chính sách của DESA, về lâu dài cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu, đồng thời xây dựng những cơ chế giúp các quốc gia kém phát triển nhưng giàu những tài nguyên quan trọng cho chuyển đổi năng lượng, chủ yếu tại châu Phi, Nam Mỹ, thu được lợi ích kinh tế-xã hội nhiều hơn từ các nguồn tài nguyên này: “Trong báo cáo, chúng tôi nhận thấy có 2 vấn đề đan xen với nhau rất quan trọng. Đầu tiên, đó là làm thế nào để thúc đẩy sản xuất và nguồn cung dồi dào của những khoáng sản thiết yếu, với quy mô và tốc độ cần thiết cho chuyển đổi năng lượng. Tiếp theo, là làm thế nào để các quốc gia giàu nguồn tài nguyên này có thể biến nó thành lợi thế lâu dài để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.

Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt về trí tuệ nhân tạo (AI), cũng là một yếu tố khác được LHQ nhấn mạnh có thể tạo ra các tác động lớn với tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời gian tới, khi cho rằng AI mang lại nhiều cơ hội cho các nước nhưng đồng thời tạo ra rủi ro nới rộng khoảng cách công nghệ giữa các nền kinh tế phát triển với phần còn lại của thế giới.

Feedback