Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Tổng thư ký OECD, ông Mathias Cormann nhận định sự lạc quan thận trọng về nền kinh tế toàn cầu bắt đầu chiếm ưu thế.

Diễn ra trong 2 ngày 2-3/5 tại Paris (Pháp), Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm nay tập trung thảo luận các giải pháp tăng trưởng bền vững, trí tuệ nhân tạo và giảm thải carbon.

Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD - ảnh 1Đại biểu tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD 2024 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Anh Tuấn/VOV

Là diễn đàn cấp cao nhất của OECD, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) năm nay do Nhật Bản và Mexico đồng chủ trì, với mục tiêu dẫn đầu các thảo luận toàn cầu thông qua những cách tiếp cận khách quan, đáng tin cậy, hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Nâng cao vai trò OECD

Trong 2 ngày diễn ra MCM, các đại biểu tham dự các phiên họp chính, gồm: Công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của OECD; Thúc đẩy việc quản trị trí thông minh nhân tạo bao trùm và toàn cầu; Tối ưu hoá các hành động khí hậu toàn cầu; Đối thoại cấp Bộ trưởng Diễn đàn các cách tiếp cận giảm phát thải carbon (IFCMA). Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thư ký (TTK) OECD, ông Mathias Cormann khẳng định thế giới đang ở vào thời điểm mang tính bước ngoặt, với nhiều thách thức lớn có thể định hình tương lai phát triển của nhiều quốc gia, như: các cú sốc kinh tế liên tiếp, biến đổi khí hậu, biến động địa chính trị, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro đứt gãy và chia tách công nghệ... Do đó, vai trò và sứ mệnh của OECD trong việc kết nối các quốc gia cùng xây dựng các chính sách toàn cầu bền vững càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết: “Chúng tôi tập trung công việc của mình vào việc thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và bình đẳng hơn, qua đó củng cố sự vững vàng của các nền kinh tế. Chúng tôi cũng tập trung các nỗ lực của mình vào để mang đến sự lãnh đạo cần thiết, giúp ứng phó thành công với các thách thức về khí hậu và phát triển bền vững”.

Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD - ảnh 2ổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Anh Tuấn/VOV

Bên cạnh việc thúc đẩy thảo luận và hợp tác xây dựng chính sách, OECD cũng nhấn mạnh đến việc gia tăng sự hiện diện của tổ chức này thông qua việc kết nạp thành viên mới và mở rộng các chương trình đối tác với các quốc gia và khu vực. Theo TTK Mathias Cormann, hiện OECD đang tiến hành quy trình đánh giá để kết nạp 7 quốc gia ứng cử viên, gồm: Indonesia, Brazil, Argentina, Peru, Romania, Bulgaria, Croatia. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang bày tỏ ý muốn gia nhập OECD.

Trong ngày đầu tiên của MCM, với tư cách là nước Chủ tịch kỳ họp, Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida đã công bố sáng kiến thành lập một khuôn khổ pháp lý quốc tế mới để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Ông Fumio Kishida cũng nhấn mạnh đến việc duy trì trật tự kinh tế tự do và công bằng, cũng như sự cần thiết của việc OECD mở rộng quan hệ đối tác và đối thoại với các quốc gia chưa phải là thành viên của tổ chức này.

Lạc quan thận trọng về tăng trưởng toàn cầu

Một trong những hoạt động đáng chú ý trong khuôn khổ MCM năm nay là việc OECD công bố báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,1%, cao hơn mức dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 2 vừa qua. Giải thích cho dự báo lạc quan này, Tổng thư ký OECD, Mathias Cormann cho biết 1 trong các nguyên nhân chính là việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng khả quan. Cụ thể, OECD dự đoán nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, so với mức dự báo 2,1% đưa ra trước đó và mức tăng trưởng 2,5% của năm ngoái. Đối với nền kinh tế Trung Quốc, OECD nâng dự báo tăng trưởng năm nay  lên 4,9%, so với mức dự báo 4,7% đưa ra trước đó, trên cơ sở chính sách ngân sách mở rộng của nước này. Với khu vực đồng tiền chung châu Âu- Eurozone, OECD dự báo mức tăng trưởng năm nay là 0,7%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD - ảnh 3Tổng thư ký OECD Mathias Cormann trao Lộ trình gia nhập OECD cho đại diện Indonesia. Ảnh: Tuấn Anh

Về tổng thể, Tổng thư ký OECD, ông Mathias Cormann nhận định sự lạc quan thận trọng về nền kinh tế toàn cầu bắt đầu chiếm ưu thế: “Hiện tại đang có một số lí do cho việc tiếp tục lạc quan trong những tháng và quý tới. Mặc dù các chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn đang gây tác động, đặc biệt đến thị trường nhà ở và tín dụng, nhưng hoạt động kinh tế toàn cầu tương đối vững vàng. Niềm tin của khu vực tư nhân được cải thiện, lạm phát giảm dần về mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương và các rủi ro với kinh tế toàn cầu đã cân bằng hơn”.

Tuy nhiên, chuyên gia Kinh tế trưởng của OECD, bà Clare Lombardelli, cũng cảnh báo kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với một số rủi ro lớn, trong đó có bất ổn địa chính trị và lạm phát cao dai dẳng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, khiến thu nhập và sức mua của người dân suy giảm.

Feedback