Khơi thông nguồn lực phát triển vùng Tây Nguyên

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Cuối tuần qua, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại đây, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó lấy phát triển là nguồn lực, cảm hứng để giữ vững an ninh, trật tự Tây Nguyên, đồng thời giữ vững an ninh, trật tự để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát, giải quyết vấn đề di cư tự do, tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; phải có giải pháp cụ thể bảo đảm đời sống của người dân năm sau cao hơn năm trước.

Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Đây là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước; sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thống nhất nhận thức, đề ra các giải pháp phát triển vùng Tây Nguyên.

Khơi thông nguồn lực phát triển vùng  Tây Nguyên  - ảnh 1Hội nghị bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: chinhphu.vn 

Thống nhất nhận thức, đề ra các giải pháp phát triển vùng Tây Nguyên

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để tạo nền móng vững chắc phát triển Tây Nguyên tương xứng với tiềm năng, lợi thế, củng cố bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, các ban, bộ, ngành, địa phương xác định bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài. Muốn giữ vững an ninh, trật tự thì căn cơ nhất là người dân phải có cuộc sống ấm no. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

"Đột phá thứ nhất là tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước, với tinh thần kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Mọi hoạt động phải tập trung cho kinh tế. Đột phá thứ hai là chúng ta phải mạnh dạn xây dựng cơ chế đặc thù đột phá, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng về giao thông, hạ tầng số và chống biến đổi khí hậu, rồi hạ tầng về y tế, hạ tầng giáo dục, hạ tầng văn hóa, thể thao. Thứ ba là lấy phát triển để làm tiền đề làm cơ sở làm động lực làm nguồn lực truyền cảm hứng cho giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội ở vùng Tây Nguyên và ngược lại, phải đảm bảo được an ninh trật tự, đảm bảo được cái chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội."

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phải giải quyết vấn đề đất ở, vấn đề nhà ở, xóa nhà dột nhà tạm, rồi giải quyết vấn đề di cư tự do một cách có trật tự, đảm bảo ổn định, tạo công ăn việc làm để sản xuất kinh doanh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các ngành, các địa phương cần đảm bảo đời sống tinh thần vật chất của nhân dân năm sau là phải cao hơn năm trước, hệ thống chính trị ở cơ sở phải gắn bó mật thiết với nhân dân.

Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm tới Tây Nguyên

Từ trước đến nay, các tỉnh Tây Nguyên luôn là vùng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều nghị quyết, kết luận, đề án để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự vùng Tây Nguyên đã được ban hành. Gần đây là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Quyết định số 104 ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên; đã thành lập Hội đồng vùng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Mới đây (tháng 5/2024), Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên  thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2030, vùng vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7 đến 7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD…

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Không gian sinh thái, giàu bản sắc văn hóa; hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển.

Vùng Tây Nguyên luôn có vị quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của Việt Nam. Việc khơi thông các nguồn lực sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế  -xã hội của vùng trong thời gian tới, góp phần tạo sự ổn định trong phát triển chung của cả nước.

Feedback