Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: những ngón tay lần đầu trên dây sắt

Chia sẻ
(VOV5) - Tổ chức các cuộc thi guitar quốc tế Berlin, điều Đặng Ngọc Long luôn mong mỏi nhất là có sự tham gia của các thí sinh Việt Nam.
Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long là người gốc Việt sống và làm việc ở CHLB Đức đã gần 40 năm, nhưng ông vẫn hướng về quê hương cội nguồn Việt Nam bằng những tác phẩm âm nhạc guitar cổ điển qua nét nhạc truyền thống dân ca Việt nam do chính ông sáng tác và biên soạn. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam với Giáo sư Đặng Ngọc Long về con đường âm nhạc của ông.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long: những ngón tay lần đầu trên dây sắt - ảnh 1Nghệ sĩ guitar, Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long được mời tham gia trình diễn tác phẩm "Tổ khúc Kiều: trong ban nhạc “Zafraan Ensemble” tại Berlin.
PV: Vâng, thưa nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, con đường âm nhạc của anh có bắt đầu từ truyền thống gia đình như nhiều nghệ sĩ khác hay không?

Đặng Ngọc Long: Tôi sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc. Mọi người ngạc nhiên lắm.  Tại sao tự dưng lại “lòi” ra tôi đi học âm nhạc? Bố mẹ tôi có năng khiếu âm nhạc, nên tôi cũng rất may được hưởng cái gene của bố mẹ. Ngày xưa bố đi bộ đội, hát những bài ca cách mạng, còn mẹ tôi trong văn công của xóm của xã thôi, nhưng có năng khiếu về âm nhạc. Tôi được hưởng cái di truyền đấy. Nhưng tình yêu âm nhạc của tôi rất là mãnh liệt. Khi tôi thi, thời đó năm 1974 vẫn còn chiến tranh, thì tôi là thí sinh duy nhất trúng vào trường Âm nhạc Việt Nam (Năm đó cả miền Bắc - từ Quảng Bình trở ra, vì đang còn chiến tranh, chỉ có một chỉ tiêu guitar cho trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Học viện âm nhạc quốc gia (p/v). Tôi rất là vui, tự hào và cái tình yêu đấy vẫn dậy lên cho đến bây giờ, mặc dù lúc đó là bước đầu rất khó khăn của tôi.

Vậy câu chuyện đến với con đường âm nhạc chuyên nghiệp của anh như thế nào? Anh có thể chia sẻ với thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam không ạ?

Đặng Ngọc Long: Thời đó vẫn còn chiến tranh, một đoàn tuyển sinh của trường Âm nhạc Việt Nam vào thành phố Vinh tuyển. Nhiều người thi tuyển lắm. Tôi xin tuyển hai môn môn sáng tác và môn guitar. Lúc đầu tôi tuyển môn sáng tác, sau đấy tôi chạy sang phòng nhạc cụ thấy người ta vẫn tuyển thì tôi xin tuyển. Lúc đấy thầy Bích Ngọc (chồng cô Trà Giang) tuyển cho tôi, tuyển năng khiếu thôi (vỗ vỗ đập đập ấy). Sau đấy tôi được giấy báo của trường Âm nhạc Việt Nam, báo trúng cả hai môn. Tôi chọn môn guitar vì tôi nghĩ guitar được đi biểu diễn khắp nơi nên tôi thích.

Ngày đó vẫn đang còn chiến tranh, những năm cuối của chiến tranh, rất khó khăn, gian khổ. Và anh từ tỉnh nhỏ đi lên thì có đàn guitar để học không?

Đặng Ngọc Long: Hồi ấy tôi không có đàn guitar. Tôi nghe ông thầy mù đánh đàn guitar thì cứ tưởng tượng mình đang đánh guitar thôi, chứ hồi đó chưa có. Mà đánh đàn bằng dây sắt. Bây giờ người ta đánh bằng dây nilon. Hồi đó dây sắt đau tay lắm. Kể cả học trong trường Âm nhạc Việt Nam, thầy Tạ Tấn dạy cũng là dây sắt thôi. Và dây sắt đó đâu có phải là trường phái cổ điển, là trường phái pop,rock, nhưng mà chúng tôi vẫn phải chịu đau tay, bấm chảy máu để học.

Cả một thế hệ học đàn guitar từ những dây sắt như thế và vẫn yêu, vẫn đi theo nghề đến tận bây giờ. Khán giả yêu âm nhạc Việt có thể thấy là những tác phẩm chuyển soạn guitar của anh có những kỹ thuật mà sau này nhiều nhạc sĩ ở trên thế giới cũng tìm tòi và gọi là kỹ thuật mới...

Đặng Ngọc Long: Các kĩ thuật của guitar trên thế giới bây giờ người ta đang tìm tòi, phát triển nhiều cái mới lạ. Tôi nghĩ như bài Núi rừng Tây Nguyên ngày xưa tôi sáng tác, tôi không nghĩ nó lại như thế (là kỹ thuật mới -pv), mà đến giờ thành ra thế giới đi khám phá. Ví dụ như tiếng diễn tả núi rừng Tây Nguyên, như tiếng chim hót líu lo, như bắt cột trói cột chẳng hạn… những tiếng đấy ngày xưa tôi chưa được tiếp xúc bao giờ nhưng tôi đã nghĩ ra cách diễn tấu. Đến bây giờ thế giới người ta lại thấy lạ, người ta đi tìm tòi, gọi cái đấy là mới lạ. Tôi bắt chước từ tiếng núi rừng Tây Nguyên chứ không phải là kỹ thuật gì cả. Nhưng bây giờ người ta cho đó là một kỹ thuật đặc biệt. Tôi nghĩ rằng những tác phẩm của Việt Nam hấp dẫn đối với người nước ngoài là những cái mới lạ với người ta.

Hoặc là cách nhấn nhá, chẳng hạn như cách vuốt của bài Ru con chẳng hạn. Cũng là nhấn, thế nhưng nhấn kiểu ngũ cung ở Việt Nam lại khác, nhấn một phần tư chứ không phải nhấn một phần hai, phần hai là gam nửa cung của Châu Âu. Thế nhưng phần tư chẳng hạn, nhấn hơi lơi lơi một tí, người ta thấy là mới lạ và rất là thích thú.

Đặc biệt trong bản Kiều, lẩy Kiều thì người ta càng hâm mộ. Ngay câu đầu Trăm năm trong có người ta/ Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau, làm sao mà nhấn được? Thí sinh của châu Âu cảm thấy rất là lạ và độc đáo. Còn Núi rừng Tây Nguyên ngày xưa tôi sáng tác tự nghĩ ra vậy thôi, nhưng bây giờ thành một kỹ thuật, tôi cũng thấy rất là vui. Cái mà mình ngấm từ xưa rồi đến bây giờ người ta mới đi tìm tòi và khám phá.

Kỹ thuật đó đến từ trí tưởng tượng, từ tiềm thức, bản năng của người nghệ sĩ đúng không ạ?

Đặng Ngọc Long: Là bản năng. Ví dụ những kỹ thuật như là cồng chiêng chẳng hạn, tiếng cồng chiêng, tiếng krongput - như người ta vỗ tay vào ống nứa thành âm thanh, thì trên đàn guitar nó là cái gì? Giờ thì gọi là kỹ thuật pizzicato - kỹ thuật bít tiếng, nhưng những cái đấy cứ bản năng mình nghĩ ra, tưởng tượng ra một bức tranh, những kỹ thuật đấy tạo ra một bức tranh. Và bây giờ nghe Núi rừng Tây Nguyên, có một số người nước ngoài nói là không những nghe mà còn nhìn thấy cả bức tranh ấy, rất là độc đáo. 

Hay tôi sử dụng kỹ thuật ban đầu của Núi rừng Tây Nguyên là tạo ra tiếng gió. Muốn tạo ra tiếng gió phải làm như thế nào? Chưa học được đến nơi, nhưng cứ tưởng tượng ra làm sao tiếng gió vu vi vu vi, thì tôi lại xoa xoa ngón tay trên dây đàn. Thông thường người ta gẩy đàn chứ có ai xoa thế! Tôi nghĩ ra, tự xoa xoa thấy nó như tiếng gió thật, hình thành tiếng gió. Mà bây giờ người ta gọi những cái đấy là là kỹ thuật mới trong âm nhạc hiện đại.

Những người theo dõi chặng đường hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long đều có thể thấy anh không chỉ biểu diễn, mà hướng về nền âm nhạc của quê hương rất nhiều, như là việc khi tổ chức các cuộc thi guitar quốc tế Berlin bao giờ anh cũng tìm tòi thí sinh từ Việt Nam? Điều này hẳn là có lý do?

Đặng Ngọc Long:  Nhớ lại thời kỳ ngày xưa thì (cười) nói lại bảo là kể khổ… Thực ra là hồi xưa tôi mê guitar lắm, nhưng bản thân cái đàn guitar cũng không có. Điều kiện cực kỳ khó khăn. Nhớ lại ngày xưa bọn tôi học Nhạc viện, thời mà phong trào guitar (đang thịnh), khoảng những năm 1978, 1979 gì đấy, chúng tôi đi biểu diễn cũng chỉ là biểu diễn đám cưới, không có được biểu diễn chuyên nghiệp. Mà cũng không được tiếp xúc với một người nước ngoài nào để mà học hỏi. Các buổi biểu diễn là tự tổ chức.

Đến bây giờ tôi thấy các em có điều kiện rất là tốt. Cho nên khi nhớ lại tuổi thơ bao giờ tôi cũng rớm rớm nước mắt, bởi vì tình yêu của mình không có điều kiện để phát triển, đến bây giờ các bạn có điều kiện như thế tôi rất là mừng và rất vui. Tôi lại nghĩ lại tuổi thơ của tôi mà được như thế thì tôi hạnh phúc lắm.

Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ Đặng Ngọc Long đã chia sẻ với thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đặng Ngọc Long đã sáng tác và chuyển soạn nhiều tác phẩm cho đàn ghi ta. Đặc biệt một số tác phẩm như "Prelude No. 1", "Mienman", "For Thay", "Bamboo-Ber", "Giận mà thương", "Prelude No.4", "Bèo dạt mây trôi" "Hồi tưởng", "Ru con", "Mưa", Núi rừng Tây nguyên", "Tổ khúc Kiều" (được sáng tác từ tiểu thuyết thơ cùng tên "KIỀU" của thi hào Nguyễn Du), “Faust” (được sáng tác từ tiểu thuyết thơ cùng tên "FAUST" của thi hào Goethe-CHLB Đức), đã được đưa vào làm bài bắt buộc cho các cuộc thi Guitar Quốc tế tại Berlin. 

Feedback