Những thách thức của thương mại toàn cầu

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Bên cạnh các rủi ro về sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ, thương mại thế giới ngày nay còn phải giải quyết các thách thức khác mang tính thời đại.

Trong Báo cáo Thương mại thế giới năm nay, công bố hôm 09/09, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định thương mại toàn cầu đóng vai trò chuyển đổi tích cực trong 3 thập kỷ qua với nhiều nền kinh tế, nhưng đang phải đối mặt với rủi ro gia tăng từ chủ nghĩa bảo hộ và thách thức phát triển bền vững.

Những thách thức của thương mại toàn cầu - ảnh 1Các container tại cảng Long Beach ở California, Mỹ - Ảnh: Reuters

Đánh giá về báo cáo năm nay, Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cho rằng điểm nổi bật nhất của báo cáo là đã chứng minh được vai trò mang tính chuyển đổi của thương mại trong việc giảm đói nghèo và chia sẻ thịnh vượng chung. Tuy nhiên, các thành quả trong 30 năm qua của thương mại quốc tế đang bị xói mòn bởi nhiều thách thức.

Vai trò mang tính chuyển đổi của thương mại

Theo báo cáo của WTO, trong giai đoạn 1995-2022, tỷ trọng đóng góp của các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình trong thương mại toàn cầu tăng từ 21% lên 38%. Điều này có được là do tỷ trọng thương mại trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia này gia tăng và hầu như luôn tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Cũng trong giai đoạn đó, thu nhập bình quân đầu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng gấp 3 lần. Kể từ năm 1995, thương mại toàn cầu mở rộng nhanh chóng, giúp 1,5 tỉ người dân trên thế giới thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên WTO và tổ chức tiền thân là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) tăng 140%.

Báo cáo của WTO cũng chỉ rõ vai trò mang tính thúc đẩy của thương mại, khi các quốc gia trong giai đoạn đàm phán gia nhập WTO đều có GDP tăng trưởng nhanh hơn 1,5 điểm phần trăm so với trước đó. Cuối cùng, thương mại cũng đóng góp vào việc chia sẻ sự thịnh vượng trên thế giới một cách cân bằng hơn thông qua việc thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa người dân thuộc các nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình với các nền kinh tế thu nhập cao. Cụ thể, trong giai đoạn từ 1995 đến 2020, tốc độ hội tụ khoảng cách thu nhập này nhanh hơn từ 20-35%.

Ông Ralph Ossa, chuyên gia kinh tế trưởng của WTO, cho biết: “Sự hội tụ về thu nhập do thương mại dẫn dắt này có tác động mang tính chuyển đổi đối với đời sống của hàng trăm triệu người. Tỷ lệ những người sống trong mức nghèo khổ cùng cực tại các nền kinh tế có thu nhập trung bình và thấp đã giảm từ 40% từ năm 1995 xuống còn khoảng 11%, trong khi tỷ trọng thương mại trong GDP của các nền kinh tế này đã tăng gấp đôi, từ 16% lên 32%”.
Những thách thức của thương mại toàn cầu - ảnh 2Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala - Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, WTO cảnh báo làn sóng chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm chính sách tăng thuế nhập khẩu ở những nước giàu, đang đe doạ xói mòn những thành quả thu được trong 3 thập kỷ toàn cầu hoá thương mại vừa qua. Cụ thể, WTO đánh giá việc gia tăng các rào cản về thuế quan giữa các nền kinh tế trong những năm gần đây tác động mạnh hơn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, phụ nữ và các công ty nhỏ, do các đối tượng này gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với sự gia tăng chi phí thương mại cố định. Một ví dụ điển hình gần đây là việc Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế đánh vào xe ô tô điện của Trung Quốc gần đây khiến người tiêu dùng có thu nhập thấp tại các nước này phải chi nhiều tiền hơn cho việc mua ô tô điện. Ở chiều ngược lại, các hộ gia đình thu nhập thấp ở Trung Quốc có mối liên hệ với ngành công nghiệp ô tô điện cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực về tài chính. Trong khi đó, WTO chỉ ra rằng những hộ gia đình thu nhập cao lại tiêu thụ lượng hàng hoá nhập khẩu lớn hơn từ các nước có thu nhập cao khác.

Thách thức về thương mại bền vững và bao trùm

Bên cạnh các rủi ro về sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ, thương mại thế giới ngày nay còn phải giải quyết các thách thức khác mang tính thời đại, là phát triển bền vững và mang tính bao trùm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe doạ phá huỷ thành quả kinh tế của nhiều quốc gia và cộng đồng. Đây cũng là 2 chủ đề trọng tâm được thảo luận tại Diễn đàn cộng đồng, do WTO cùng các đối tác tổ chức từ ngày 10-13/09 tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Hơn 140 phiên thảo luận được tổ chức trong 4 ngày diễn ra Diễn đàn tập trung vào việc trả lời câu hỏi làm thế nào để giúp thương mại toàn cầu mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, đồng thời ứng phó tốt hơn với các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Để có nền tảng cho những thảo luận này, trong ngày đầu tiên của Diễn đàn, hôm 10/09, WTO đã công bố “Cơ sở dữ liệu về các quan ngại thương mại” (WTO Trade Concerns Database - TCD). Theo Phó Tổng Giám đốc WTO, bà Angela Elllard, đây là sáng kiến mang tính bước ngoặt của WTO trong việc gia tăng tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin thiết yếu trong hệ thống thương mại đa phương. TDC cho phép các thành viên WTO tiếp cận, tìm hiểu hơn 1.800 quan ngại thương mại được gửi đến WTO từ năm 1995 (thời điểm thành lập WTO), được sắp xếp chi tiết theo từng hạng mục, từ các quan ngại liên quan đến hàng rào thuế quan cho đến quan ngại về rào cản kỹ thuật, trợ cấp hay việc ngăn cản tiếp cận thị trường.

Chuyên gia kinh tế trưởng WTO, ông Ralph Ossa, nhận định: "Việc minh bạch hoá thông tin sẽ gia tăng hợp tác giữa các thành viên trong hệ thống thương mại toàn cầu, đẩy mạnh tính bao trùm của thương mại. Quan điểm mấu chốt trong các phân tích của chúng tôi là việc giao thương ít đi hay việc giao thương đơn độc sẽ không giúp thúc đẩy tính bao trùm. Tính bao trùm thực sự đòi hỏi một chiến lược toàn diện, tích hợp thương mại mở với các chính sách đối nội mang tính bổ trợ và một sự hợp tác quốc tế hiệu quả”.

Một thách thức lớn khác với thương mại toàn cầu hiện nay là căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Ngay trong ngày đầu Diễn đàn ở Geneva (10/09), một phiên thảo luận với chủ đề “Tái toàn cầu hoá: Thương mại trong một thế giới bị địa chính trị hoá” đã được WTO và Viện Kinh tế quốc tế Peterson tổ chức, nhằm thảo luận chiến lược duy trì và thúc đẩy dòng chảy thương mại toàn cầu trong môi trường cạnh tranh địa chính trị và xung đột gia tăng. Ngoài ra, các vấn đề khác, như: tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) tới chuỗi cung ứng; số hoá thương mại; cạnh tranh khoáng sản thiết yếu… cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết với thương mại toàn cầu.

Feedback