Khởi đầu mới từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Mỹ

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Kết quả cuộc gặp là tiền đề để quan hệ Nga - Mỹ bước sang trang mới song vẫn còn nhiều chông gai.

Cuộc gặp được mong chờ nhất trong mùa hè này giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Donald Trump diễn ra ngày 16/7, tại Phần Lan, đã có một cái kết ngoài mong đợi khi đạt được một loạt sự đồng thuận về các vấn đề cốt lõi.

Nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng kết quả cuộc gặp là tiền đề để quan hệ Nga - Mỹ bước sang trang mới song vẫn còn nhiều chông gai để hai nước có thể cùng hợp tác.

Khởi đầu mới từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Mỹ - ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp Thượng đỉnh ở Phần Lan. - Ảnh:Theo Guardian

Trong vài tiếng đồng hồ gặp gỡ, hội đàm tại Phần Lan, tất cả những vấn đề nổi cộm trong quan hệ song phương cũng như quốc tế đều được 2 nhà lãnh đạo của 2 cường quốc hàng đầu thế giới đề cập. Từ việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, việc Nga sẵn sàng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới), cho đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và bán đảo Triều Tiên.

Có thể nói nội dung thảo luận khá toàn diện và đều là những chủ đề chi phối quan hệ Nga - Mỹ hiện nay.

Thống nhất những vấn đề cốt lõi

Qua các phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp, có thể thấy lãnh đạo 2 bên đã đạt được không ít đồng thuận. Đáng chú ý nhất là những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ với chính giới Mỹ khi thẳng thừng cho rằng hoàn toàn không có âm mưu can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ như điều tra cáo buộc và nhấn mạnh việc kêu gọi điều tra vấn đề này là một thảm họa. Thậm chí, người đứng đầu Nhà Trắng còn tuyên bố không bao giờ coi Tổng thống Putin là kẻ thù, mà đó là một người cạnh tranh tốt, đồng thời khẳng định sẽ có thêm nhiều cuộc gặp xây dựng như thế với nhà lãnh đạo Putin trong tương lai.

Về hợp tác kinh tế, hai bên đã nhất trí thành lập một nhóm chung để tập hợp các “ông lớn” của giới kinh doanh hai nước; khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác trong phân tích toàn bộ các hồ sơ chính trị - quân sự đồng thời đề xuất thành lập nhóm công tác chung về chống khủng bố. Phía Nga đã trao cho phía Mỹ đề nghị hợp tác trong lĩnh vực ổn định chiến lược và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Nga sẵn sàng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới), một thỏa thuận hạn chế số lượng các vũ khí hạt nhân được triển khai và thiết lập cơ chế thanh tra mới, sẽ hết hạn vào năm 2021.

Trong các vấn đề quốc tế, liên quan đến tình hình Syria, nhà lãnh đạo Nga đánh giá Moscowa và Washington có thể đảm nhận vai trò chủ chốt trong giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Lãnh đạo Nga và Mỹ cũng thảo luận về vấn đề Iran, tình hình thực hiện thỏa thuận tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Tổng thống Putin cũng đánh giá cao các bước đi hiệu quả nhằm giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Trump. Trong khi đó, ông Trump bày tỏ sự tin tưởng rằng ông Putin và nước Nga sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, cũng như hợp tác với Mỹ và Israel trong việc giải quyết tình hình tại Syria.

Để đánh giá khái quát về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ thì lời nhận xét của Tổng thống Donald Trump đã nói thay tất cả: đây là “sự khởi đầu tốt cho tất cả các bên”. Quan hệ hai nước sẽ thay đổi sau cuộc gặp tại Helsinki.

Phản ứng tiêu cực từ giới chức Mỹ   

Trái với những từ ngữ hoa mỹ và thái độ thiện chí mà Tổng thống Donald Trump dành cho nước Nga cũng như cho cá nhân ông Putin thì chính giới Mỹ lại lên tiếng chỉ trích động thái của ông chủ Nhà Trắng.

Ngay sau khi thượng đỉnh kết thúc, hàng loạt nghị sỹ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa và nhiều chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích với những ngôn từ mạnh mẽ nhất như xấu hổ, yếu kém, tồi tệ, Nga không phải là đồng minh... Các lãnh đạo đảng Dân chủ đã tổ chức họp báo chỉ trích cuộc gặp thượng đỉnh trong khi cộng đồng tình báo Mỹ cũng ra thông cáo đáp trả tuyên bố của Trump khi ông phủ nhận sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 cũng như nền dân chủ nước này.

Những diễn biến trên càng khẳng định quan điểm của giới phân tích rằng Quốc hội Mỹ có thái độ rất tiêu cực đối với Nga. Thậm chí họ có thể phong tỏa việc triển khai các thỏa thuận mà ông Trump đạt được với Nga.  

Vì vậy hiện vẫn còn quá sớm để lạc quan về những dự án hợp tác Nga - Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên dù sao thì cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Trump cũng vẫn là bước đi cần thiết để xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Nga, 2 quốc gia có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề điểm nóng trên toàn cầu.

Feedback