Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Mỹ D.Trump dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 16/7 tới tại Helsinki, Phần Lan. Sau hàng loạt những căng thẳng, quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, có những lúc tưởng chừng như có thể rơi vào thế đối đầu. Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh lần này, liệu hai nhà lãnh đạo có hóa giải được hết những mâu thuẫn chất chồng lâu nay để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy hơn trong tương lai hay không là điều đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp chính thức kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, và cũng là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước hội kiến chính thức kể từ năm 2009.
Quan hệ vốn nhiều trắc trở
Quan hệ Nga-Mỹ được đánh giá là một trong những mối quan hệ nước lớn phức tạp nhất trên thế giới. Sự khác biệt về thể chế chính trị, sự đối đầu về sức mạnh quân sự khiến hai nước khó có thể xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau.
Trong hơn 10 năm qua, quan hệ Nga-Mỹ trải qua rất nhiều sự kiện quan trọng, trong đó đáng chú ý là cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Crime sáp nhập vào Nga, Nga can thiệp quân sự vào Syria, khủng hoảng ngoại giao Nga-Mỹ thông qua trục xuất các nhà ngoại giao…, cũng như cuộc khẩu chiến không ngừng diễn ra trong nhiều năm qua xung quanh lĩnh vực cắt giảm vũ khí hạt nhân, hệ thống phòng thủ tên lửa. Tất cả những bất đồng này đẩy xu thế quan hệ song phương Mỹ-Nga theo hướng tụt dốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ đến nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga không tốt đẹp hơn so với trước. Đầu tháng 4 năm nay, phía Mỹ gia tăng biện pháp và siết chặt mức độ trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính vì nhiều lý do khác nhau. Trong vụ việc điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal bị đầu độc ở Anh, cho dù chứng cứ mới chỉ là những cáo buộc suông của chính phủ Anh, phía Mỹ đã đi đầu trong cuộc chiến ngoại giao chống Nga. Nội dung bộ luật mới được ông Putin ký ban hành là những biện pháp của Nga nhằm trừng phạt tất cả những quốc gia, tổ chức và cá nhân hợp tác với Mỹ và tham gia cùng Mỹ trừng phạt Nga. Lâu nay, người ta đã quá quen với những đòn trừng phạt và đáp trả một cách sòng phẳng từ hai phía, vốn đã trở thành một trong những nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa hai nước này.
Tuy nhiên, để thực hiện và bảo tồn lợi ích chính trị an ninh ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, ông Trump đều cần đến sự ủng hộ và tham gia của Nga hoặc có được Nga đồng hành thì vẫn luôn tốt hơn và thuận lợi hơn cho Mỹ. Trong khi đó, ông Putin cũng có nhu cầu tương tự trong quan hệ của Nga với Mỹ và có chủ ý phân hoá Mỹ với những đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ ở nhiều khu vực trên thế giới. Bởi vậy, nếu xét sâu xa, cả hai bên đều tính toán và hành xử ở mức không để cho căng thẳng đi quá xa, vượt tầm kiểm soát.
Khó có đột phá, mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn
Để đi tới cuộc gặp thượng đỉnh lần này, thời gian gần đây, hai bên liên tục có những động thái “tan băng” thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có chuyến thăm của phái đoàn nghị sỹ Mỹ tới Nga. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đáng kể nhất phải kể đến, đó là sự chủ động của chính Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông liên tục tuyên bố sẽ ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Nga, coi đối thoại trực tiếp là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề giữa hai nước.
Chớp lấy “thời cơ vàng” này, hai bên hiện đang ra sức chuẩn bị cho cuộc gặp được đánh giá là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc gặp này sẽ mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn. Và thay vì tìm kiếm lập trường chung về các vấn đề gai góc như Ukraine hay Syria, Washington và Moscow sẽ tập trung bàn các biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga, trong đó điện Kremlin chắc chắn sẽ vận động để Mỹ hỗ trợ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào Nga. Và rất có thể, đây cũng là điều kiện mà Mỹ đưa ra để Nga gia tăng sức ép lên Iran, khiến Cộng hòa Hồi giáo Iran buộc phải chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Syria, kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Dựa trên những diễn biến hiện nay có thể thấy, một hội nghị thượng đỉnh chưa thể đủ để hai bên hóa giải tất cả những bất đồng, song ít nhất đó cũng là một bước tiến theo hướng đúng đắn nhằm tránh việc đi vào vết xe đổ dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh khác. Điều quan trọng nhất, cuộc gặp này sẽ được dùng làm “bàn đạp” giúp quan hệ song phương “tan băng”.