Syria trong vòng xoáy bất ổn mới

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Tình hình Syria nóng rẫy trên truyền thông quốc tế khi có nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học khiến nhiều người thiệt mạng ở Douma.

Người dân Syria từng rất vui mừng khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật khỏi quốc gia này cuối năm 2017 vì họ tin sẽ có cơ hội xây dựng lại cuộc sống mới. Song đáng tiếc là từ đó đến nay, Syria vẫn chìm sâu trong bất ổn. Đặc biệt những ngày này, tình hình Syria lại nóng rẫy trên truyền thông quốc tế khi có nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học khiến nhiều người thiệt mạng ở Douma. Một lần nữa Syria lại bị cuốn vào rắc rối tuy không mới song có nguy cơ đẩy quốc gia này vào vòng xoáy bất ổn vì 1 năm trước, cũng viện lý do tương tự, Mỹ đã nã hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria.

Syria trong vòng xoáy bất ổn mới - ảnh 1

Những gì còn lại tại Aleppo, Syria, sau cuộc chiến khốc liệt. - Ảnh: AFP/Getty Images

Sau nhiều nỗ lực hòa giải bất thành, cuối tuần qua, lực lượng quân đội Chính phủ Syria mở cuộc tấn công trên bộ vào thị trấn Douma gần thủ đô Damascus đang nằm trong trong tầm kiểm soát của phe nổi dậy. Cuộc giao tranh giữa 2 bên khiến hàng chục dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều trường hợp gặp vấn đề về hô hấp do hít phải khói độc. Khi vụ việc vẫn còn chưa sáng tỏ song đã nhanh chóng được đưa lên Hội đồng bảo an LHQ, gây ra khẩu chiến giữa Nga và Mỹ, thậm chí Washington tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả chính phủ Syria dù có hay không sự ủng hộ từ Liên Hợp Quốc.

Tại sao lại là Douma?

Douma chính là một trong những thành lũy kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy tại Đông Ghouta. Suốt 6 năm qua, phe nổi dậy và các phiến binh thường dùng nơi này làm cứ điểm bắn phá vào thủ đô Damascus. Đánh chiếm được Đông Ghouta là chiến thắng có tính quyết định nhằm thay đổi cục diện chiến trường Syria kể từ khi nội chiến xảy ra vào năm 2011. Đây được coi là một chiến thắng lớn, có ý nghĩa đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bởi quân đội Chính phủ Syria giành được thành trì lớn cuối cùng của phe đối lập ở sát thủ đô Damascus. Điều này cũng đồng nghĩa với thắng lợi của liên minh Nga-Syria trong cuộc chiến tại đây đồng nghĩa với việc vai trò của Mỹ và đồng minh trên chiến trường Syria bị mờ nhạt.

Nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma được lan truyền đúng thời điểm phe nổi dậy thất thế ở Douma. Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và Nga đều cho rằng đây là một "kế hoạch dàn dựng từ trước" nhằm đánh lạc hướng các chiến dịch chống khủng bố tại Syria.    

Tất nhiên Mỹ và các đồng minh phương Tây không cho là như vậy. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng đổ lỗi cho Nga và Iran vì đã ủng hộ Chính phủ Syria, lực lượng bị cáo buộc là chịu trách nhiệm vụ tấn công nói trên. Thậm chí Washington tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả chính phủ Syria dù có hay không sự ủng hộ từ Liên Hợp Quốc. Tàu khu trục USS Donald Cook mang theo hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk lập tức được lệnh di chuyển gần cảng Tartus của Syria. Tàu khu trục thứ hai là USS Porter cũng có thể sẽ tới đây trong vòng vài ngày tới.

Tại cuộc họp khẩn của Liên hợp quốc ngày 9/4, Nga khẳng định không có dấu hiệu của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nào. Nga cũng mời đại diện của LHQ đến nơi nghi xảy ra vụ việc để kiểm chứng. Đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu tấn công Syria. Bất chấp lý lẽ của Nga, Mỹ tiếp tục phớt lờ, đổ lỗi cho chính quyền Bashar al-Assad và Nga.   

Trong khi đó, các lực lượng phòng không Nga ở Syria đã được lệnh trực chiến đấu ở mức cao nhất. Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400, pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 và tiêm kích Su-30SM, Su-35 Nga đóng quân ở căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Khmeimim chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Nhiều toan tính

Từ lâu, giới phân tích đã cho rằng Mỹ có những toan tính lợi ích khác ở Syria, trong đó mong muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực đồng thời tiếp tục khai phá nguồn tài nguyên của Syria, lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Al Assad để tạo ra một chính phủ mới không thân Nga. Một trong những con bài quen thuộc là cáo buộc chính phủ Syria là thủ phạm gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Hơn thế, Mỹ luôn nuôi hoài bão gia tăng cạnh tranh địa chính trị với Nga tại khu vực, từng bước xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Nga đối với các nước Trung Đông, làm suy yếu các thế lực mà Mỹ cho là kẻ thù truyền thống tại Trung Đông. 

Vì thế, dễ thấy căng thẳng hiện nay ở Syria đang được Mỹ và phương Tây “chủ động” đẩy lên một nấc thang mới vào thời điểm mà cuộc chiến chống khủng bố tại Syria sắp tới hồi kết, còn tiến trình hòa bình cũng đang có những hy vọng mới sau hàng loạt vòng đàm phán hòa bình. Cáo buộc của Mỹ về nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma chẳng khác nào khẳng định họ đã mất vị thế ở Trung Đông và đang cố gắng trở lại.

Tuy nhiên bất kể âm mưu gì đằng sau các toan tính của Mỹ, việc Washington đe dọa “để ngỏ mọi giải pháp”, cũng đang đẩy căng thẳng ở Syria lên một cấp độ mới.

Feedback