Từ ngày thành lập 3/2/1930 đến nay, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam luôn đáp ứng được nhu cầu khách quan của đất nước và khát vọng của dân tộc với tư tưởng chủ đạo là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
ảnh minh họa |
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định phải “coi sự đoàn kết trong Đảng như con ngươi của mắt mình”. Vai trò của đại đoàn kết không có tổng kết nào ngắn hơn, sâu sắc hơn câu nói của Người, đó là: “Đoàn kết- đoàn kết- đại đoàn kết. Thành công- thành công- đại thành công”.
Đoàn kết là ngọn nguồn của mọi thành công
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là quan điểm nhất quán, quan điểm có tính chiến lược của Đảng cộng sản Việt Nam từ khi thành lập: “Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tháng 2/1930 đã thông qua tinh thần chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt nhưng rất cơ bản. Điều quan trọng là đã khôi phục kiện toàn Trung ương, tạo đầu mối thống nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, bắt đầu từng bước trong nhiệm kỳ khóa 1, từng bước tiếp cận thực tiễn tốt hơn để đề ra chủ trương, chính sách sát hợp hơn với thực tiễn”.
Kể từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ngày càng được phát huy bởi có sự kết hợp nhuần nhuyễn những truyền thống quý báu của dân tộc và sự định hướng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam luôn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thông qua việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII mới đây khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Hằng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia, cho rằng: Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo là sự nghiệp không thể tách rời sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân. Trong bối cảnh đất nước hiện nay đòi hỏi Đảng phải thể hiện sâu sắc tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch với dân, lắng nghe ý kiến phản biện xã hội, chịu sự giám sát của nhân dân: “Động viên được sức mạnh toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay thì Đảng phải hóa thân vào Mặt trận như những thời kỳ đấu tranh máu lửa ấy để làm hạt nhân khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ quyết định vấn đề xây dựng nội lực quốc gia. Lúc này Đảng cần thể hiện vai trò của mình, phải đoàn kết, trước hết hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đó Đảng là tổ chức thành viên đặc biệt”.
Gắn bó với nhân dân để nâng cao sức mạnh cầm quyền
Đảng cộng sản Việt Nam có vai trò đặc thù là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo duy nhất và cũng là nơi tập hợp những con người đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Chỉ gắn bó mật thiết với nhân dân bằng hành động thực tế thì Đảng mới hoàn thành sứ mệnh cầm quyền. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng dựa trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Đức, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: "Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa các thành viên trong xã hội. Đại đoàn kết là đại đoàn kết trong chính trị, trong sự nghiệp cách mạng, là lực cầm quyền, phải đoàn kết các lực lượng để đúng tinh thần đại đoàn kết”.
Với niềm tin vào sự đổi mới và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai của đất nước, nhân dân mong muốn Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cách Đảng tăng cường sức mạnh cầm quyền, lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập nền kinh tế toàn cầu.