Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái trong ký ức đồng nghiệp VOV

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL
Chia sẻ
(VOV5) - Hình ảnh nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái vẫn còn in đậm trong ký ức của người thân, bè bạn và đồng nghiệp VOV.

Cách đây hơn 2 tháng, Cơ quan thường trú khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Đài TNVN (VOV) cùng với gia đình khởi công xây dựng nhà tình nghĩa, tặng thân nhân nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái, phóng viên VOV hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện tại căn nhà tình nghĩa này đã hoàn thành được Đài TNVN tổ chức trao tặng ngày 2/2/2018. 

Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái trong ký ức đồng nghiệp VOV - ảnh 1
Căn nhà tình nghĩa trong quá trình xây dựng

Chúng tôi tìm về xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn “ của nhà báo- liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái, mới biết, dù thời gian đã trôi qua khá xa nhưng những hình ảnh về ông vẫn còn in đậm trong ký ức của người thân, bè bạn.

Ông Đồng Quang Năm, năm nay 83 tuổi- nguyên Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang dẫn chúng tôi ra trước cửa nhà, chỉ vào cây còng cổ thụ cạnh bờ sông, bồi hồi kể: Cây còng này được ông trồng vào thời điểm tiễn nhà báo Nguyễn Nhơn Ái lên đường tập kết. Theo thời gian, cây mỗi ngày một thêm xanh, thêm lớn nhưng người ra đi làm nhiệm vụ cách mạng từ dạo ấy chưa một lần trở lại quê hương. 

Bà Nguyễn Thị Phụng, còn gọi là Út Phụng, 83 tuổi- em ruột liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái, hiện sinh sống tại thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cả gia đình bà theo cách mạng.

Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái trong ký ức đồng nghiệp VOV - ảnh 2
Đại diện lãnh đạo Cơ quan thường trú khu vực ĐBSCL- Đài TNVN thắp hương trước bàn thờ nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái

Chỉ tính trong vòng 5 năm từ 1965 đến 1970, ba người anh trai của bà đã lần lượt ngã xuống trước mũi súng của quân thù. Sau này, mẹ bà là cụ Đỗ Thị Lung (mất năm 1970) được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trong ký ức của bà Út Phụng đến giờ vẫn còn in đậm buổi tiễn đưa anh Sáu Ái của bà lên đường tập kết ra Bắc: 

“Anh thương anh em lắm. Đi tập kết rồi mấy anh em đưa ảnh, tiễn ảnh xuống tàu đi, đi rồi đi luôn tới giờ này không thấy gì hết trơn, mất tích luôn, nghe báo hy sinh thôi”, bà Nguyễn Thị Phụng nói.

 Nhà báo lão thành Trần Quang Mẫn (88 tuổi), biên tập viên phòng thời sự VOV thời kháng chiến chống Mỹ, hiện sinh sống tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ là một trong những người còn lưu giữ được những tư liệu liên quan đến nhà báo Nguyễn Nhơn Ái từ thời điểm ông tập kết ra Bắc cho đến ngày hy sinh ở chiến trường Tây nguyên. 

Theo nhà báo Trần Quang Mẫn, nhà báo Nguyễn Nhơn Ái còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Phục, sinh năm 1928, tham gia cách mạng từ năm 1951. Ông công tác tại báo “Tiếng súng kháng địch” thuộc Quân khu 9, Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác tại Phòng Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi viết báo, nhà báo Nguyễn Nhơn Ái ký các bút danh Phục Nguyễn, Việt Phục, Nguyễn Hạnh Nguyễn.

“Trước khi tập kết thì chưa biết nhau, chỉ biết nhau khi cùng tập kết ra miền Bắc thì Phục Nguyễn được nhận công tác tại phòng văn nghệ VOV, còn tôi làm ở Phòng thời sự cùng VOV”.

Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái trong ký ức đồng nghiệp VOV - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Phụng- em ruột liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái

Cũng theo nhà báo Trần Quang Mẫn, vào năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào thời điểm ác liệt, nhà báo Nguyễn Nhơn Ái được VOV cử cùng đoàn nhà báo trở lại chiến trường miền Nam. Đoàn công tác lúc ấy, ngoài nhà báo nguyễn Nhơn Ái, còn có nhà báo Thép Mới (báo Nhân Dân); Phạm Phú Bằng (báo Quân đội Nhân dân) do nhà báo Thép Mới làm trưởng đoàn. Khi hành quân đến Gia Lai, thì nhà báo Nguyễn Nhơn Ái hy sinh. Nhà báo Nguyễn Nhơn Ái ngã xuống trên đất Tây nguyên vào tháng 11/1965 trong một đợt ném bom rải thảm của không quân Mỹ. Ông hy sinh khi chưa kịp lập gia đình!

Nhà báo Trần Quang Mẫn nhớ lại: “Đường Trường Sơn năm 1960 còn rất gian nan, các bạn bè, đồng nghiệp ở VOV lúc bấy giờ, chỉ có cách là đợi chờ bài viết từ chiến trường để theo dấu chân anh Phục Nguyễn. Không biết Đài nhận được bao nhiều bài, riêng tôi thì chỉ có một bản sao không đầy đủ, thiếu cả trang sáu, bài bút ký viết về Đà nẵng đề ngày 31/05/1965, tựa đề là Tháo chạy dưới bút danh là  Nguyễn Hạnh Nguyễn. Bài viết phản ánh khá sinh động cuộc bao vây tiến công của du kích. Đến khi đồng chí Tổng biên tập Trần Lâm báo tin đau đớn là Phục Nguyễn đã hy sinh thì lễ truy điệu mới được tổ chức tại Hội trường 58 Quán Sứ”.

Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái trong ký ức đồng nghiệp VOV - ảnh 4
Nhà báo Trần Quang Mẫn

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày nhà báo Nguyễn Nhơn Ái ngã xuống trên đất Tây nguyên, xã Vĩnh Viễn quê hương của ông giờ đã trở thành xã nông thôn mới, trung tâm của huyện Long Mỹ.

Từ nguồn đóng góp của các đoàn viên công đoàn và vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, Cơ quan thường trú khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của VOV đã tổ chức xây dựng căn nhà tình nghĩa tại quê nhà của ông. Căn nhà này  được bàn giao cho ông Nguyễn Trọng Tân, 63 tuổi, cháu gọi nhà báo- liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái là chú ruột, vừa làm nơi ở, vừa làm nơi thờ cúng liệt sĩ vào ngày 2/2/2018 nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2018).

Căn nhà tình nghĩa như một sự tri ân, tưởng nhớ của cán bộ, nhân viên VOV đối với người liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Feedback