Những ngày qua, tình hình khu vực bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng nghiêm trọng. Đáp trả hàng loạt vụ thử vũ khí của Triều Tiên, hai nước Mỹ và Hàn Quốc liên tiếp tiến hành tập trận, trong khi Nhật Bản đưa ra cảnh báo cứng rắn.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, dư luận lo ngại sự gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể tác động bất lợi đến cục diện hòa bình và sự ổn định chiến lược trên phạm vi toàn cầu.
Theo Hàn Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên phóng ít nhất một tên lửa đạn đạo vào sáng 5/6 - Ảnh: Arirang |
"Căng thẳng nghiêm trọng” hay “căng thẳng cao độ” là cụm từ được nhiều phương tiện truyền thông cũng như các nhà phân tích khu vực Đông Bắc Á sử dụng để mô tả tình hình bán đảo Triều Tiên những ngày qua.
Những diễn biến đáng lo ngại
Ngày 7/6, quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc diễn tập tấn công không quân trên biển Hoàng Hải với sự tham gia của khoảng 20 máy bay chiến đấu, trong đó có nhiều chiến đấu cơ hiện đại như F-35. Đây là cuộc diễn tập thứ 3 liên tiếp trong khoảng một tuần qua của các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tại khu vực bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận kéo dài 3 ngày (kết thúc ngày 4/6), với sự tham gia lần đầu tiên kể từ năm 2017 của tàu sân bay USS Ronald Reagan. Tiếp đó, hôm 6/6, quân đội Mỹ và Hàn Quốc phối hợp thực hiện cuộc bắn đạn thật trên biển, trong đó có việc phóng 8 tên lửa.
Hai cuộc diễn tập mới nhất của liên quân Mỹ-Hàn được cho là nhằm đáp lại việc Triều Tiên hôm 5/6 phóng 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra khu vực biển Nhật Bản, là vụ phóng vũ khí thứ 18 trong năm 2022 của Triều Tiên. Cùng với việc liên tiếp thử vũ khí, trong đó có cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên đồng thời đưa ra nhiều thông điệp cứng rắn nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc. Trong đó, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Han Tae-song hôm 2/6 tuyên bố “Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh với Mỹ”.
Mỹ và Hàn Quốc phóng tên lửa chung tại một địa điểm không xác định hôm 6/6 - Ảnh: Yonhap |
Đáp lại động thái của Triều Tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 6/6 nêu rõ, các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là "mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Triều Tiên và rộng hơn là đối với cộng đồng quốc tế". Ông Ned Price đồng thời cảnh báo Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân "trong những ngày tới".
Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 5/6 ra lệnh cho quân đội nước này duy trì tư thế sẵn sàng và phối hợp phòng thủ chung với Mỹ, bao gồm các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nêu rõ, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Theo đuổi đối thoại
Theo các nhà phân tích khu vực và quốc tế, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tạo thêm thách thức cho các nỗ lực duy trì hòa bình và sự ổn định chiến lược toàn cầu. Vì vậy, việc thúc đẩy đối thoại, tiếp xúc ngoại giao giữa các bên liên quan trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ cần thiết.
Trong tuyên bố với báo giới hôm 6/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: cánh cửa đối thoại với Triều Tiên vẫn rộng mở và Washington tiếp tục kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia đối thoại hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trước đó, cuộc họp giữa 3 đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ tại Seoul hôm 3/6 cũng phát đi thông điệp tương tự khi kêu gọi Triều Tiên đối thoại để thực hiện phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, dù khẳng định đất nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Han Tae-song hôm 2/6 nhấn mạnh, Bình Nhưỡng cam kết sẽ đóng góp vào nền hòa bình và hoạt động giải trừ quân bị toàn cầu.