Vì một thế giới an toàn, không có vũ khí hạt nhân

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Thông điệp thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề này luôn được thể hiện thường xuyên, liên tục và rõ ràng. 

Cuối tuần qua, các nỗ lực thúc đẩy hiệu lực của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đã đạt được một bước tiến lớn khi Liên hợp quốc chính thức thông báo việc Honduras đã phê chuẩn Hiệp ước, trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn văn kiện, qua đó hội đủ điều kiện cần thiết để TPNW có hiệu lực sau 90 ngày nữa (khoảng tháng 1/2021). Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lập tức lên tiếng hoan nghênh, coi đây là cơ sở đảm bảo cho một tương lai thế giới an toàn.   

Vì một thế giới an toàn, không có vũ khí hạt nhân - ảnh 1 iệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2021. - Nguồn: ploughshares.org

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 7/7/2017 với 122 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ủng hộ và đến nay đã có 84 thành viên tham gia ký kết. Tuy nhiên, để có được hiệu lực, Hiệp ước cần phải được ít nhất 50 quốc gia thành viên phê chuẩn. Con số này vẫn dừng lại là 49 cho tới trước khi Honduras phê chuẩn.

Loại bỏ vũ khí hạt nhân vì một tương lai an toàn hơn

Trong một thông cáo, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC Peter Maurer tuyên bố sự kiện TPNW hội đủ điều kiện có hiệu lực là “chiến thắng của nhân loại và hứa hẹn một tương lai an toàn hơn”. Còn trên tài khoản Twitter, tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN), vốn đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua TPNW và được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017, thông báo rằng Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn TPNW, kích hoạt hiệp ước có hiệu lực và tạo nên “lịch sử.”

Vì một thế giới an toàn, không có vũ khí hạt nhân - ảnh 2 Một vụ nổ gây ra từ tên lửa hạt nhân được chụp lại. - Ảnh: SPUTNIK

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres khẳng định giải giáp hạt nhân là ưu tiên của Liên Hợp Quốc kể từ khi thành lập. Vì lợi ích an ninh của tất cả, thế giới cần phải đi chung trên một con đường không có vũ khí hạt nhân. Trước đó, trong một phát biểu ngày 6/8 nhân sự kiện có thêm 3 quốc gia phê chuẩn TPNW, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nêu rõ "Nguy cơ của việc sử dụng  vũ khí hạt nhân một cách có chủ ý hay vô tình, hoặc do tính toán sai lầm, đang rất cao vì các xu hướng như vậy đang diễn ra". Theo người đứng đầu Liên hợp quốc "cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ hạt nhân là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân."

Theo giới phân tích, sự kiện Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân hội đủ điều kiện để có hiệu lực là thông tin tốt lành trong bối cảnh hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới là Mỹ và Nga vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START mới, cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng nhất còn hiệu lực giữa hai nước.

Vì một thế giới an toàn, không có vũ khí hạt nhân - ảnh 3 Người dân đến thăm Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki vào tháng 8, nhân kỷ niệm 75 năm vụ tấn công. Ảnh: AFP 

 Chưa hết nỗi lo

Không chỉ có sự bế tắc trong đàm phán hạt nhân Mỹ - Nga về Hiệp ước START mới khiến thế giới lo lắng, mà các lực lượng ủng hộ một thế giới không vũ khí hạt nhân cũng còn rất bất an trước thực tế rằng 5 quốc gia Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều chưa tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Thậm chí ngay cả Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới cho đến thời điểm này bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, cũng từ chối tham gia TPNW. Mới nhất, ngày 26/10, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố nước này sẽ không tham gia  TPNW. Ông Kato khẳng định "Nhật Bản có chung mục tiêu với hiệp ước này là loại bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng khác về cách tiếp cận vấn đề, do đó Nhật Bản sẽ không tham gia ký hiệp ước".

Bên cạnh đó, dư luận cũng không khỏi lo ngại cho sự an toàn của nhân loại khi các tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran liên tục gặp trắc trở, trong khi quan hệ giữa một số quốc gia sỡ hữu hạt nhân như Ấn Độ - Pakistan luôn căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng, thúc đẩy chạy đua vũ khí hạt nhân.     

Là quốc gia phải hứng chịu những nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh, Việt Nam luôn chủ trương xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, không có vũ khí hạt nhân. Thông điệp thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề này luôn được thể hiện thường xuyên, liên tục và rõ ràng. Mới nhất, tại cuộc họp Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế (Ủy ban 1) của  Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc ngày 9/10 vừa qua, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã có phát biểu thay mặt các nước ASEAN, trong đó khẳng định ASEAN ủng hộ các nỗ lực quốc tế về chống phổ biến và giải trừ quân bị các loại  vú khí hủy diệt hàng loạt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Đặng Đình Quý nêu bật quan ngại của ASEAN về sự tồn của vũ khí hạt nhân, cũng như hậu quả việc sử dụng loại vũ khí này. ASEAN cho rằng xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là giải pháp duy nhất, ủng hộ việc thực hiện nghiêm túc Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), hướng tới Hội nghị Kiểm điểm NPT lần thứ 10 vào năm 2021.

Feedback