ASEAN thúc đẩy các ưu tiên và phát huy giá trị, vai trò trung tâm

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - ASEAN duy trì cân bằng quan hệ với các Đối tác trong bối cảnh nhiều đối tác mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, khuyến khích các đối tác hỗ trợ ASEAN kiểm soát, ứng phó với dịch COVID-19.

Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm nay (26/10) bắt đầu tham dự chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Đại dịch COVID-19 và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn đang đặt ra nhiều thách thức với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhưng đây cũng là dịp để ASEAN thúc đẩy các ưu tiên và phát huy giá trị, phát huy vai trò trung tâm của tổ chức khu vực này.

ASEAN thúc đẩy các ưu tiên và phát huy giá trị, vai trò trung tâm - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuỗi hội nghị lần này tiếp tục đặt ASEAN vào trung tâm của những chương trình nghị sự quan trọng nhất khu vực. Từ tình hình Myanmar, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, cho tới kế hoạch xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

Phát huy tiếng nói chung trong bối cảnh nhiều thách thức

Hội nghị lần này diễn ra trong thời điểm hết sức đặc biệt. ASEAN đứng trước rất nhiều thách thức, có thể nói là vô cùng khó khăn, cả do các đợt bùng phát và lây lan biến thể mới của dịch bệnh COVID-19 ở khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của từng nước. Vấn đề sản xuất đủ vaccine để phân phối đều khắp cũng đang là thách thức lớn nhất đối với khu vực, bởi đến thời điểm hiện tại, ASEAN vẫn chưa có đủ nguồn cung vaccine, trong khi chưa có thuốc điều trị căn bệnh này.

Về khôi phục kinh tế, ASEAN hiện đã nhất trí thiết lập hàng lang đi lại cho các doanh nhân và người dân. Nhưng, đây đồng thời là thách thức lớn trong việc kiểm soát đại dịch khi các quốc gia dần nới lỏng các biện pháp cho phép đi lại. Cùng với đó là các thách thức như thiên tai, an ninh khu vực, đặc biệt là cạnh tranh giữa các cường quốc. 

Trong bối cảnh đó, tại các Hội nghị lần này, ASEAN tiếp tục đề cao đoàn kết, phát huy nội lực, kiên định với cách thức tổ chức thực hiện công việc của ASEAN, đặc biệt là bảo vệ nguyên tắc đồng thuận và các nguyên tắc khác đã đề ra trong Hiến chương ASEAN. Cùng với đó, đoàn kết cùng nhau để gìn giữ vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác.

Khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và toàn cầu

Bên cạnh tập trung giải quyết các thách thức nội khối, Hội nghị lần này còn là dịp ASEAN củng cố, mở rộng quan hệ với các đối tác ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Nga; giữ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng như ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS). 

Thời gian qua, ASEAN luôn duy trì cân bằng quan hệ với các Đối tác trong bối cảnh nhiều đối tác bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, khuyến khích các đối tác hỗ trợ ASEAN kiểm soát, ứng phó với dịch COVID-19 và hợp tác giải quyết các thách thức chung. Có thể kể đến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt với Trung Quốc tháng 6/2021, với Nga tháng 7/2021, với Mỹ tháng 7/2021. ASEAN cũng đã đạt đồng thuận về việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-G7 vào tháng 12/2021 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Đáng chú ý, ASEAN đã công nhận Vương quốc Anh là Đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN, trao quy chế Đối tác theo lĩnh vực của ASEAN cho Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và đang xem xét đề xuất của Trung Quốc và Australia về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Trước tình hình chính trị tại Myanmar, ASEAN đã có một số động thái nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là thông qua và triển khai Đồng thuận 5 điểm về Myanmar tháng 4/2021…Cùng với đó, Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước ASEAN và các Đối tác quan tâm và trao đổi sâu rộng. Nhìn chung, ASEAN duy trì quan điểm luôn đề cao giá trị của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.

Những diễn biến này tiếp tục cho thấy vai trò rõ ràng hơn của ASEAN với cấu trúc khu vực. Các nước đều có mối quan tâm và ưu tiên riêng trong hợp tác với ASEAN, trong đó có những mối quan tâm tiềm ẩn xung đột, khác biệt quan điểm. Hội nghị cấp cao ASEAN lần này là dịp để ASEAN thể hiện trách nhiệm chung với mối quan tâm của từng nước, biến nó trở thành một phần trong sự phát triển chung của toàn khu vực, thúc đẩy các ưu tiên và phát huy giá trị, vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và thế giới.

Feedback