Các tín hiệu không chắc chắn từ kinh tế thế giới

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Về việc cắt giảm lãi suất, người đứng đầu IMF vẫn khuyến cáo Mỹ nên giữ lãi suất cao đến hết năm nay.

Tăng trưởng kém kỳ vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2, cùng với sự khó đoán định trong chính sách tiền tệ của Mỹ và Liên minh châu Âu khiến nhiều chuyên gia dự báo nền kinh tế thế giới nửa cuối năm nay sẽ đối mặt với nhiều yếu tố khó lường.

Các số liệu mới nhất về tăng trưởng của Trung Quốc cùng lạm phát tại Mỹ và châu Âu cho thấy các nền kinh tế lớn nhất tiếp tục duy trì đà phục hồi chậm và ổn định. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy kinh tế thế giới có thể đối mặt với các rủi ro lớn hơn trong nửa cuối năm nay.

Các tín hiệu không chắc chắn từ kinh tế thế giới - ảnh 1Tăng trưởng GDP của Trung Quốc tính theo quý. Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc: Ổn định nhưng tăng chậm

Trong báo cáo công bố hôm 15/07, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong nửa đầu năm nay tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi của ngành sản xuất là động lực chính và là lực đỡ lớn nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ bên ngoài. Trong nửa đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 6 vừa qua, chỉ số này tăng 0,42% so với tháng trước đó, song tăng 5,3% so với tháng 6 năm ngoái. Sự phục hồi của một số lĩnh vực khác, tiêu biểu là du lịch, cũng góp phần đáng kể kích cầu tiêu dùng trong nước.

Bà Liu Aihua, người phát ngôn NBS, cho biết: Về tổng thể, nền kinh tế Trung Quốc hoạt động ổn định, có những tiến bộ đều đặn. Sản xuất tăng trưởng đều và nhu cầu thị trường tiếp tục phục hồi. Việv làm và giá cả về cơ bản được giữ ổn định trong khi thu nhập của người dân tiếp tục tăng. Các động lực tăng trưởng mới phát triển với tốc độ nhanh hơn và sự phát triển chất lượng cao đạt được tiến bộ mới”.

Các tín hiệu không chắc chắn từ kinh tế thế giới - ảnh 2Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng, Gia cư và các vấn đề Đô thị thuộc Thượng viện Mỹ vào ngày 9/7/2024. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, theo giới quan sát, điều đáng chú ý là tăng trưởng của Trung Quốc quý II chỉ đạt 4,7%, giảm so với mức 5,3% của quý I và thấp hơn các dự báo trước đó. Việc tăng trưởng chậm lại này phát đi các tín hiệu không chắc chắn về triển vọng kinh tế nửa cuối năm nay. Xing Zhaopeng, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, chi nhánh Thượng Hải, nhận định việc GDP Trung Quốc chỉ tăng 4,7% trong quý II khiến mục tiêu 5% trong cả năm gặp thách thức bởi nửa cuối năm nay là thời điểm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc gặp các rào cản từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, trong đó nổi bật là vụ việc Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế với xe điện Trung Quốc.

Harry Murphy, chuyên gia kinh tế của Moody’s Analytics, cũng cho rằng Trung Quốc sẽ phải giải quyết 2 thách thức lớn về chi tiêu của người tiêu dùng và sự ì ạch của thị trường bất động sản để ngăn xu hướng tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm. Do Trung Quốc đóng vai trò là động lực tăng trưởng lớn của thế giới và có vị thế dẫn đầu trong thương mại quốc tế, các tín hiệu không chắc chắn từ nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể tác động đến tăng trưởng toàn cầu.

Sự chần chừ của Fed

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chưa bứt phá được như kỳ vọng, sự chờ đợi của giới kinh doanh vào Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, cũng vấp phải những tín hiệu không rõ ràng từ các nhà quản lý kinh tế Mỹ.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 09/07, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell cho biết kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng ổn định khoảng 2% trong năm nay nhưng mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% vẫn chưa có triển vọng sớm đạt được. Theo người đứng đầu Fed, nền kinh tế Mỹ vẫn cần chờ đợi những số liệu tốt hơn nữa để có thể bắt đầu tiến hành cắt giảm lãi suất, điều mà giới đầu tư chờ đợi từ đầu năm nay.

Điều đáng chú ý, theo Chủ tịch Fed, là kinh tế Mỹ bắt đầu ghi nhận tác động tiêu cực của việc duy trì lãi suất cao trong thời gian quá lâu đối với thị trường lao động và nền kinh tế, khi số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 6 chậm lại (206.000), đồng thời tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%. Do đó, ông Jerome Powell cho biết Fed sẽ phải cân nhắc rất kỹ các thay đổi chính sách trong thời gian tới. “Tôi sẽ cố gắng tránh việc gửi đi bất cứ tín hiệu cụ thể nào về thời gian cắt giảm lãi suất bởi mọi việc sẽ phụ thuộc vào số liệu. Ngoài ra, những gì xảy ra với thị trường lao động là rất quan trọng bởi chúng tôi đã nói rằng nếu thị trường lao động suy yếu ngoài mong đợi, đó có thể là lí do để nới lỏng chính sách tiền tệ. Chúng tôi đang cân nhắc cả hai yếu tố”.

Chia sẻ một lo ngại khác về kinh tế Mỹ, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva nhận định dù Mỹ là nền kinh tế duy nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới G20 có tăng trưởng cao hơn mức trước đại dịch Covid-19, việc tỷ lệ nợ công của nước này tiếp tục tăng cao là yếu tố đáng ngại về dài hạn, do đó, Mỹ cần tận dụng thời điểm tăng trưởng kinh tế ổn định như hiện nay để giảm nợ công và tái cấu trúc nền kinh tế.

Tuy nhiên, về việc cắt giảm lãi suất, người đứng đầu IMF vẫn khuyến cáo Mỹ nên giữ lãi suất cao đến hết năm nay. Theo Tim Oechsner, chiến lược gia về thị trường vốn của công ty tài chính Steubing AG (Đức), sự chần chừ và không rõ ràng của Fed trong lộ trình cắt giảm lãi suất, tương tự như chiến lược tiền tệ dè dặt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khiến các nhận định về triển vọng kinh tế thế giới nửa cuối năm nay càng phải trở nên thận trọng hơn, khi sự lạc quan chiếm ưu thế trong nửa đầu năm nay hiện đã bắt đầu suy giảm.             

Feedback