Chống tham nhũng không cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”.

Tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giữa tuần qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh yêu cầu “phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế- xã hội”.

Chống tham nhũng không cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội - ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội

Theo Ban Chỉ đạo, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành Thanh tra, Kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. Cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với một số cán bộ diện Trung ương quản lý và diện cấp ủy địa phương quản lý về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Điều này đã góp phần quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thực tế kinh tế - xã hội Việt Nam từ đầu năm đến nay tiếp tục có sự phục hồi. Tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ nhận định kinh tế - xã hội 7 tháng năm nay tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. 60/63 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.  Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết: "Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và đang có đà tăng trưởng tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương đóng vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội thị trường mới trong thời gian tới. Niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ".

Nhiều công trình hạ tầng đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các địa phương, vùng và cả nước. Hơn 2.000 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác. Dự án đường dây 500kV mạch 3 được đẩy mạnh thi công, sẽ hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh.

Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, vì lợi ích của quốc gia dân tộc

Thực tế cho thấy, mọi thành quả về phát triển kinh tế- xã hội chỉ có thể bền vững khi có một bộ máy thật sự liêm chính. Quan điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam rất rõ ràng, những đối tượng tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo môi trường lành mạnh, trong sạch. Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế ngày 3/8, tại Hà Nội, sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: "Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ với các mục tiêu, quan điểm, phương châm, giải pháp như thời gian qua. Trong đó sẽ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ cảnh tình cả vùng, cả lĩnh vực. Mở rộng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài khu vực nhà nước góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước. Công việc này phải làm quyết liệt, triệt để làm sao chiến thắng được giặc nội xâm này".

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ nay đến hết năm, Việt Nam sẽ tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam không cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội mà tạo động lực cho đầu tư, phát triển, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào Việt Nam. Phòng chống tham nhũng cũng là để củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, củng cố thêm sự ổn định chính trị xã hội, thực hiện  mục tiêu xây dựng một xã hội thực sự trong sạch, vì quyền lợi của mọi người dân, vì lợi ích của quốc gia dân tộc.

Feedback