BRICS trước cơ hội lớn

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị các nền kinh tế mới nổi BRICS hôm nay khai mạc tại Brazil với sự góp mặt của lãnh đạo cấp cao 5 quốc gia thành viên là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi. Hội nghị lần này sẽ thông qua nhiều quyết định quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm nâng cao vị thế của BRICS trong đời sống kinh tế -chính trị toàn cầu.

(VOV5) - Hội nghị các nền kinh tế mới nổi BRICS hôm nay khai mạc tại Brazil với sự góp mặt của lãnh đạo cấp cao 5 quốc gia thành viên là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi. Hội nghị lần này sẽ thông qua nhiều quyết định quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm nâng cao vị thế của BRICS trong đời sống kinh tế -chính trị toàn cầu.

 

BRICS trước cơ hội lớn - ảnh 1
Các nhà lãnh đạo BRICS tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 năm 2013 ở TP Durban - Nam Phi. Ảnh: AP


Hội nghị các nền kinh tế mới nổi (BRICS) chiếm khoảng 1/3 tổng số dân và hơn 1/4 diện tích đất của thế giới. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các nước BRICS có tổng GDP danh nghĩa trên 16 nghìn tỷ USD trong năm 2013. Dự báo, BRICS có thể sẽ vượt nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào năm 2027. Trong nhóm nước trên, Trung Quốc được xem là "công xưởng của thế giới," Brazil là nguồn nguyên liệu thô quan trọng cho thị trường toàn cầu, Nga là "trạm xăng của thế giới", Ấn Độ được biết đến là "văn phòng của thế giới" và Nam Phi là kho tài nguyên của châu Phi. Mặc dù nhịp độ tăng trưởng gần đây chậm lại, các nền kinh tế BRICS vẫn được cho là có tiềm năng hỗ trợ kinh tế toàn cầu đang cần tăng trưởng một cách cân đối hơn.

 

Tạo thế đối trọng trên bàn cờ kinh tế thế giới

 

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS, nhiều nguồn tin đã loan báo tại kỳ họp này, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi sẽ chính thức phê chuẩn việc thành lập quỹ dự trữ tiền tệ và một ngân hàng phát triển. Trước đó năm 2013, nhóm BRICS đã tiết lộ dự án thành lập một ngân hàng phát triển và một quỹ tiền tệ canh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà nhóm này cho là họ không được đại diện một cách hợp lý do 2 thể chế này bị chi phối bởi Mỹ và châu Âu. Do đó, hướng tới một ngân hàng chung được xem là một giải pháp để BRICS giành ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế.

 

Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov,Ngân hàng Phát triển BRICS trong giai đoạn đầu sẽ có số vốn 10 tỷ USD, sau đó có thể tăng lên đến 100 tỷ USD. Các bên sẽ góp vốn đều như nhau. Ban đầu, mỗi nước sẽ góp 10 tỷ USD tiền mặt trong vòng 7 năm. Dần dần, tổng số vốn của ngân hàng sẽ đạt 100 tỷ USD. Đây là một ngân hàng chuyên về các công trình hạ tầng cơ sở. Ngân hàng sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016 và để ngỏ cho các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) tham gia, tuy nhiên tỷ lệ vốn của BRICS phải trên 55%.

 

Cùng với một ngân hàng chung, một quỹ dự trữ nhằm bảo vệ các nền kinh tế BRICS trước biến động của thị trường sẽ được thiết lập với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc sẽ góp phần lớn nhất là 41 tỷ USD; Brasil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, Nam Phi góp 5 tỷ USD. Quỹ BRICS ra đời để giúp các nước cân đối cán cân thanh toán mà không cần phá giá đồng nội tệ.

 

Không ít thách thức

 

Để đi vào hoạt động, ngân hàng và quỹ BRICS  cần phải đợi cơ quan lập pháp từ các nước thành viên BRICS phê chuẩn nên sẽ cần ít nhất một năm để triển khai. Đó là chưa kể đến số vốn đóng góp 100 tỷ USD cho quỹ BRICS chỉ chiếm 2,2% trong tổng số 4,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của khối BRICS được cho là chưa đủ lớn để biến các mục tiêu của quỹ thành hiện thực.

 

Giới phân tích cũng cho rằng tổng vốn của Ngân hàng và quỹ đầu tư BRICS được cho là chưa đủ lớn để kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài không còn mặn mà nhiều, còn các nước thành viên thì tập trung chủ yếu vào các vấn đề nội bộ sát sườn như bầu cử tại Brazil, khủng hoảng ở Ukraine (với Nga) và các chính sách kinh tế mới của chính quyền tân Thủ tướng Narendra Modi ở Ấn Độ. Chuyên gia Arvind Subramanian thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho rằng với Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát sẽ quan trọng hơn chuyện hợp tác của BRICS. Nga thì kỳ vọng các nhà lãnh đạo BRICS sẽ thảo luận các vấn đề quốc tế và lên tiếng chống lại sức ép cấm vận từ các nước phương Tây. Điều này được minh chứng bằng việc trước thềm BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ hối thúc các nước trong khối BRICS nhất trí với các biện pháp ngăn chặn "các cuộc công kích trừng phạt" của Mỹ.

Giờ đây các nước thành viên BRICS đang đứng trước cơ hội mới để gia tăng ảnh hưởng của mình trong đời sống kinh tế - chính trị thế giới từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự ra đời của ngân hàng phát triển và quỹ dự trữ chung của BRICS sẽ là bước tiến mang tính đột phá trên thị trường tài chính toàn cầu. Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội này trong 2 ngày họp của hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6./.

Feedback