Việt Nam ủng hộ thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ các hoạt động dân sự vì mục đích hòa bình

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán ủng hộ cả ba trụ cột chính của IAEA 

Từ ngày 6-10/3 tại Vienna, thủ đô của Áo, diễn ra phiên họp định kỳ Hội đồng Thống đốc (HĐTĐ) Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực của Việt Nam tại IAEA, làm Trưởng đoàn; cùng tham dự có đại diện Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET).

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ các hoạt động dân sự vì mục đích hòa bình  - ảnh 1Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực của Việt Nam tại IAEA phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PV/VOV Praha

Đoàn Việt Nam đã tham gia thảo luận tại nhiều đề mục của kỳ họp, cùng các thành viên HĐTĐ đóng góp vào việc hoàn thiện các dự thảo Báo cáo về an ninh, an toàn và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân năm 2023. Bên cạnh đó, Việt Nam tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán ủng hộ cả ba trụ cột chính của IAEA là: bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân; thanh sát; ứng dụng năng lượng nguyên tử hạt nhân vào mục đích hoà bình.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ các hoạt động dân sự vì mục đích hòa bình  - ảnh 2Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PV/VOV Praha

Việt Nam ủng hộ sáng kiến của IAEA trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ các hoạt động dân sự vì mục đích hòa bình; khẳng định vai trò then chốt của IAEA và cách tiếp cận cân bằng trong công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; đồng thời đề cao nguyên tắc đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Bên lề cuộc họp, Đoàn NACCET có các buổi làm việc với lãnh đạo và đại diện các tổ chức quốc tế và đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, như: Ban Ứng dụng và Khoa học hạt nhân IAEA, Cơ sở nghiên cứu hạt nhân của IAEA tại Seibersdorf (Áo), Ban Thư ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) và Tổ chức phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO).                                                   

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu