Ngày 31/10/ 2020 đánh dấu kỷ niệm 20 năm Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Khi sự tham gia của phụ nữ được nâng cao, việc xây dựng và gìn giữ hòa bình cũng đạt hiệu quả hơn. Những nữ quân nhân gìn giữ hòa bình là cầu nối giúp xây dựng lòng tin với các cộng đồng địa phương, từ đó giúp ngăn ngừa và giảm thiểu xung đột và đối đầu. Điều quan trọng nhất, họ truyền cảm hứng, khuyến khích tạo ra những hình mẫu cho phụ nữ và trẻ em gái để trở thành một phần ý nghĩa trong các tiến trình hòa bình và chính trị.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghị nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra đời đã thể hiện một tinh thần thay đổi. Trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, tỷ lệ phụ nữ tham gia cao tại các phái bộ và trong các hoạt động có thể giúp gia tăng sự tin tưởng, dễ tiếp cận và giao tiếp tốt hơn với người dân địa phương, giúp đưa ra các quyết định tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện, các quốc gia và tổ chức trên thế giới đang có nhiều sáng kiến và đóng góp để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan QĐND Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.- Ảnh UNDP cung cấp |
Bên cạnh sứ mệnh duy trì hòa bình, những chiến sĩ gìn giữ hòa bình đang trải qua thử thách của đại dịch Covid-19. Ở Cộng hòa Trung Phi, nữ Trung tá Nguyễn Thị Liên, sĩ quan tham mưu huấn luyện, đã chủ động thuê máy khâu, mua vật liệu để may tặng hàng trăm khẩu trang với mục đích phát miễn phí cho các đồng nghiệp tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình và người dân Thủ đô Bangui. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, những nữ quân nhân còn tạo ra không khí, cảm hứng, quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam đến bạn bè quốc tế:
“Có một điều chúng tôi mong muốn là những nữ sĩ quan Việt Nam nói riêng và những nữ sĩ quan nói chung trong đội hình hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cần phải được quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của họ, cần được cất nhắc họ vào những vị trí lãnh đạo mà họ hoàn toàn xứng đáng, cần phải nêu gương họ, không chỉ trong các phái bộ mà ở tất cả các quốc gia, và trên toàn thế giới. Vì đây là một điển hình trong sự nghiệp bình đẳng giới mà Liên hợp quốc đang thúc đẩy”. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói,
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ( giữa) và các sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. - Ảnh UNDP cung cấp |
Đánh giá hiệu quả trong công tác triển khai lực lượng gìn giữ Việt Nam tham gia phái bộ nói chung và nỗ lực tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong hoạt động này, Đại sứ Nauy tại Việt Nam Grete Løchen cho biết Nauy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về lĩnh vực này: “Na Uy rất tự hào có Thiếu tướng Kristin Lund là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị Chỉ huy Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc vào năm 2014. Bà đã trở thành một hình mẫu quan trọng và tấm gương tiêu biểu cho công tác tại Liên hợp quốc về giới và lãnh đạo. Trong năm tới, Na Uy và Việt Nam sẽ cộng tác với nhau trong vai trò cùng là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Tôi chắc chắn rằng hai quốc gia sẽ có những cơ hội tuyệt vời để cùng hợp tác thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vào tiến trình hòa bình và an ninh của khu vực cũng như toàn cầu”.
Nữ quân nhân Việt Nam thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan- Ảnh UNDP cung cấp |
Những năm gần đây, Việt Nam đang tăng cường tham gia vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình toàn cầu. Năm 2017, Việt Nam cử Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga làm nữ sỹ quan đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Hiện, Việt Nam có 10 nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ trong Bệnh viện Dã chiến cấp II, chiếm tỷ lệ gần 17% trong tổng số 63 thành viên của Bệnh viện. Đây là tỷ lệ cao hơn mục tiêu của Liên Hợp Quốc.
Vượt lên tất cả khó khăn trong môi trường khắc nghiệt cả về sinh hoạt lẫn an ninh an toàn, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ, các nữ sĩ quan của QĐND Việt Nam chủ động đề nghị với Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi về nhiều hoạt động tự nguyện giúp đỡ người dân nước sở tại như: dạy học miễn phí cho trẻ em vô gia cư, hỗ trợ người dân nghèo, hướng dẫn làm nông nghiệp…
Ủng hộ mạnh mẽ các nghị quyết của HĐBA về vai trò của phụ nữ tiến trình hòa bình, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định cam kết của UNDP: “Hỗ trợ sự tham gia, trao quyền và lãnh đạo của phụ nữ trong mọi lĩnh vực là một trong những nền tảng hỗ trợ của chúng tôi tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác với Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường năng lực và nâng cao đóng góp của phụ nữ vào những lần cử đi phái bộ trong tương lai của Việt Nam”.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. |
Đóng góp sáng kiến nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho rằng, cần đảm bảo đàm cân bằng giới, đề nghị đẩy mạnh hỗ trợ Sáng kiến Elsie về phụ nữ trong các hoạt động hòa bình: “Đây là cam kết về hành động. Đây là một chương trình thí điểm nhằm mục đích tạo sự thay đổi trong việc tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ mang sắc phục trong các hoạt động hòa bình của Liên Hợp Quốc. Sáng kiến Elsie ưu tiên hướng đến các nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình đã được cử đến các phái bộ và có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ. Chúng tôi lắng nghe nguyện vọng của những nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình khi thiết kế Sáng kiến và chúng tôi sẽ tiếp tục lồng ghép các quan điểm của họ trong mọi khía cạnh công việc của chúng tôi.”
Từ thực tế cho thấy, trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình, phụ nữ đã chứng tỏ mình có thể đảm nhận tốt, đạt tiêu chuẩn các vai trò như nam giới và trong cùng điều kiện khó khăn như nhau. Và càng nhiều phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ, thì nền hòa bình sẽ càng bao trùm và bền vững và thịnh vượng hơn.