Nối tiếp thành tựu ghép tạng của Việt Nam

Lê Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Sự thành công của các ca ghép tạng "xuyên Việt" do các y, bá sĩ Bệnh viên Trung ương Huế thực hiện đã khẳng định năng lực của ngành ghép tạng Việt Nam nói chung và của miền Trung nói riêng.

Bệnh viện Trung ương Huế vừa xác lập 3 kỷ lục ghép tạng, cứu sống 8 bệnh nhân. Trong đó, sự thành công của 3 ca ghép tạng "xuyên Việt" vào ngày 02/04 vừa qua, đã khẳng định năng lực của ngành ghép tạng của ngành y ở Việt Nam nói chung và Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng. Hiện, sức khỏe các bệnh nhân được ghép tạng hồi phục tốt.     

Nối tiếp thành tựu ghép tạng của Việt Nam - ảnh 1Phẩu thuật ghép tạng tại bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: VOV
Lần đầu tiên, Bệnh viên Trung ương Huế tiếp nhận 1 lúc bộ 3 tạng: tim, gan, thận xuyên Việt. Tạng được 1 bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Việt Nam -Thuỵ Điển -Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, hiến tặng. Các trường hợp ghép xuyên Việt trước đây, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận chỉ 1 tạng.

Trước đó, đêm 31/03, ngay sau khi nhận được thông tin về tạng của người hiến chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, có các chỉ số tương thích với các bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã họp khẩn, lên các phương án di chuyển hợp lý nhất, tận dụng từng giây, từng phút để tạng hiến được bảo quản đúng thời gian tối ưu.

Khoảng cách từ Quảng Ninh vào Huế hơn 800km. Các bác sĩ đặt quyết tâm cao nhất, không cho phép có sai sót, không được chậm trễ để mang lại sự sống cho các bệnh nhân. Ê kíp 8 bác sĩ do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện, làm trưởng đoàn, đã khẩn trương đến Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển, Uông Bí. Ca phẫu thuật lấy tạng được thực hiện từ đêm ngày 1 đến rạng sáng 02/04, với sự tham gia của khoảng 120 bác sĩ.

Ê kíp vận chuyển tạng mất hơn 4h30 phút mới đưa được tạng từ Bệnh viên Uông Bí vào Bệnh viện Trung ương Huế. Trong thời gian đó, các ekip nhận tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng chuẩn bị sẵn sàng ghép khi tạng kịp về đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Nối tiếp thành tựu ghép tạng của Việt Nam - ảnh 2Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc bệnh nhân sau ghép tạng. Ảnh: VOV

Kết quả những ca ghép lần này được ví như phép màu cho những người bệnh đang từng ngày nỗ lực duy trì sự sống. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, quả tim của người hiến đã đập trở lại trong lồng ngực nam thanh niên 27 tuổi ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, mang lại sự sống cho chàng trai trẻ sau nhiều lần suy tim và 2 lần bị ngưng tim. Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thế Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: "Đối với bệnh nhân tim, bệnh nhân này đã nhiều lần ngưng tim, quỹ thời gian sống chỉ tính bằng tuần hay tháng. Thật may mắn trong thời gian này họ nhận được một tạng tim. Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân đã tự sinh hoạt, tự phục vụ những nhu cầu thiết yếu của bệnh nhân và cảm giác bệnh nhân hồi phục rất sớm".

Bệnh nhi Trần Thị Minh Ng, 3 tuổi, được chẩn đoán xơ gan nặng do teo đường mật bẩm sinh, đã được ghép gan thành công trong đợt này. Chị Phan Thị Thúy Hạnh, mẹ của bệnh nhi, xúc động sau khi ca mổ thành công ngoài mong đợi: "Tới bây giờ tôi cũng không tin được là bé đã được hiến gan. Thật bất ngờ! Đây sự là một kỳ tích đến với gia đình. Quá vui! Nhiều khi tưởng là mơ. Kết quả phẫu thuật tiến triển thấy rõ rệt. Trước đây, 2 mắt của bé rất vàng. Bây giờ, mắt đã sáng hơn rồi. Trước đây da vàng sạm, màu xanh, mà bây giờ đã hồng hào lên. Thay đổi nhiều. Tôi cảm nhận bé rất vui. Nhìn trong ánh mắt này, mặc dù con còn đau, nhưng cháu ngoan, nghe lời bác sĩ, phối hợp".

Ngoài 2 ca ghép tim và gan, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế còn thực hiện ghép thận. Song song với 3 ca ghép tạng kể trên, trong 48h, tập thể y, bác sĩ Bệnh viên đã thực hiện 5 ca ghép thận khác. Sức khỏe các bệnh nhân đều hồi phục ổn định, chức năng tạng tốt.

Chia sẻ về thành công này, Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám Đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết: "Việc xây dựng trung tâm Y tế chuyên sâu của Thừa Thiên - Huế trở thành Trung tâm y học cao cấp, lĩnh vực không thể thiếu đối với bệnh viện và có thể xem như là đầu tàu, để kéo tất cả chuyên ngành khác song song với sự phát triển của Bệnh viện. Chúng tôi đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên từ năm 2001 và thực hiện ca ghép tim đầu tiên năm 2011 do êkip đầu tiên của người Việt Nam thực hiện. Chúng tôi cũng thực hiện ca ghép gan đầu tiên tại Huế vào năm 2018 và cho đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện trên 1.500 trường hợp ghép tạng".

Sự thành công của các ca ghép tạng "xuyên Việt" do các y, bá sĩ Bệnh viên Trung ương Huế thực hiện đã khẳng định năng lực của ngành ghép tạng Việt Nam nói chung và của miền Trung nói riêng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu