Chương trình “Tháng 3 biên giới” năm 2024 của tuổi trẻ Đà Nẵng, Quảng Nam

Lê Phương (Tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình có nhiều hoạt động thể hiện được tinh thần đoàn kết của lực lượng đoàn viên, thanh niên với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng.

Chương trình “Tháng Ba biên giới” là một trong các hoạt động nhằm cụ thể hóa phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức vào dịp tháng 3 hằng năm tại địa bàn các xã biên giới trên cả nước, tập trung tại các xã biên giới khó khăn. Năm nay, với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi”, các cấp hội Đoàn Thanh niên các cấp đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đến cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và thanh thiếu nhi tại các địa bàn giáp biên giới. 

Chương trình “Tháng 3 biên giới” năm 2024 của tuổi trẻ Đà Nẵng, Quảng Nam - ảnh 1Lãnh đạo các đơn vị, các chiến sĩ, đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nghi thức chào cột mốc quốc giới tại chương trình - Ảnh: tinhdoanqnam.vn

Tại tỉnh Quảng Nam, Thành Đoàn Đà Nẵng và Tỉnh Đoàn Quảng Nam phối hợp tổ chức Chương trình “Tháng Ba biên giới” tại xã A Nông, huyện Tây Giang, với nhiều hoạt động, như: cấp phát thuốc và khám bệnh miễn phí người dân hoàn cảnh khó khăn tại xã A Nông, tặng quà Đồn Biên Phòng xã A Nông và thân nhân gia đình cán bộ, chiến sĩ đang công tác biên giới, già làng có uy tín; thi công, công trình “Thắp sáng đường quê” tại xã A Nông, huyện Tây Giang...

Anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí Thư Thành Đoàn Đà Nẵng, cho biết: "Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt hướng đến hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội. Qua đó tạo được dấu ấn màu sắc của thanh niên. Các công trình phần việc của thanh niên được lan toả, góp phần công sức của tuổi trẻ thành phố  và phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động chúng tôi chú trọng quan tâm đến là thanh niên hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo ở thành phố và các tỉnh lân cận vùng miền núi".

Còn tại huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh đoàn Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, như: trao học bổng “Con nuôi biên phòng” cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi; trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên; khởi công 1 nhà nhân ái... Cùng với đó, trong dịp này, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã trao tặng 20 bản đồ “Tự hào một dải non sông” cho Vườn Quốc gia Yok Đôn và các Đồn biên phòng Yok Đôn, Bo Heng và Sêrêpốk.

Tại tỉnh Sóc Trăng, chương trình “Tháng Ba biên giới” năm 2024 được tổ chức tại Đồn biên phòng Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Tại đây, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã trao tặng 1 căn nhà “Đại đoàn kết” cho thanh niên; hỗ trợ 2.000 vở tặng học sinh nghèo khu vực biên giới biển; tặng 20 phần quà cho gia đình ngư dân, gia đình chiến sĩ biên phòng.

Đề cao ý nghĩa của các hoạt động Chương trình “Tháng ba biên giới” tại các địa phương, anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết: "Hội Liên hiệp thanh niên sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động về với các vùng biên giới, các đồn biên phòng cũng như tổ chức các hoạt động an sinh xã hội và người dân, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Bên cạnh đó, chú trọng chăm lo cho thanh thiếu nhi và người khó khăn ở vùng đồng bào biên giới, hải đảo, đặc biệt là các vùng biên giới có quy mô dưới 10.000 người đang sinh sống. Từ đó, phối hợp cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng với người dân để tổ chức các hoạt động trên địa bàn".

Chương trình “Tháng Ba biên giới” được tổ chức hằng năm với nhiều hoạt động thể hiện được tinh thần đoàn kết của lực lượng đoàn viên, thanh niên với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trên địa bàn. Qua đó, phát huy vai trò đồng hành của đoàn viên, thanh niên trong đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; chăm lo cho người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn biên giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu