Để giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua đã có nhiều mô hình khởi nghiệp hình thành và phát huy hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khách hàng có thể đăng ký dịch vụ đi chung qua máy tính hoặc
điện thoại thông minh - Ảnh:dangcongsan.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Pam Air - ứng dụng theo dõi chất lượng không khí là sản phẩm “make in Viet Nam” do startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin xây dựng và phát triển. Công ty khởi nghiệp công nghệ D&L và Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) thực hiện dự án Pam Air từ tháng 2.2019 và đến nay đã có trên 150 điểm đo tự động chất lượng không khí tại trên 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Pam Air cung cấp bản đồ chất lượng không khí theo thời gian thực trên lãnh thổ Việt Nam. Ứng dụng Pam Air trên điện thoại di động giúp người dân sử dụng những thiết bị cảm biến với chi phí thấp hơn nhiều so với các thiết bị truyền thống, giúp theo dõi diễn biến chất lượng không khí hàng ngày.
Chị Nguyễn Thu Hoài, một người dân ở Hà Nội, bày tỏ: “Khi sử dụng ứng dụng này tôi thấy có khá nhiều ưu điểm. Pam Air số lượng điểm đo rất là lớn. Ngay tại nơi mình sinh sống có một điểm đo, giúp mình biết chất lượng không khí nơi mình sinh sống. Pam Air cập nhập chất lượng không khí theo thời gian, giúp cho những người dân biết được tại thời điểm hiện tại chất lượng không khí ra sao, để có giải pháp bảo vệ sức khỏe”.
Mới đây, Startup Pam Air - ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Startup Việt Nam giành giải Nhất giải thưởng Công nghệ thông tin châu Á - Thái Bình Dương 2019. Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty Công nghệ D&L, cho biết: “Người dân có thể vào ứng dụng Pam Air tìm địa điểm có thể tìm kiếm các điểm theo dõi chất lượng không khí nơi gần nhất. Các điểm này được thu thập từ các thiết bị cảm biến theo dõi chất lượng không khí do Pam Air sản xuất và vận hành. Với ứng dụng này chúng tôi hỗ trợ người dân biết được không khí quanh ta ra sao, từ đó có những hành động bảo vệ sức khỏe của bản thân mình”.
Hình ảnh của ứng dụng Pam Air - Ảnh: Bao Kinh tế đô thị
|
Không trực tiếp đưa ra những cảnh báo chất lượng không khí như Pam Air nhưng giải pháp dichung.vn của Công ty cổ phần Đi chung lại giúp giảm thiểu khí CO2 ra môi trường. Ứng dụng xe đi chung vận hành trên online và mobile. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đi chung, cho biết: “Giải pháp đi chung xe có những tác động trực tiếp và hữu ích đối với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đi chung xe đóng góp một phần vào giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường Việt Nam”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Green List, ứng dụng cung cấp những giải pháp tưới nước tự động cho các nhà vườn. Hệ thống tưới nước tự động này dùng công nghệ dựa trên độ ẩm của đất, nhiệt độ và ánh sáng xung quanh, được điều khiến bằng điện thoại thông minh và giám sát bằng camera. Anh Vũ Xuân Linh, người sáng lập giải pháp hệ thống cảm biến, điều khiển vườn thông minh Green List, cho biết: “Tôi muốn phát triển ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Tôi nghĩ làm sao cho ngành nông nghiệp thuận lợi, dễ dàng hơn bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là lý do mà tôi sáng lập ra giải pháp và thiết bị dùng để cảm biến và điều khiển”.
Pam Air, dichung.vn, Green List… chỉ là vài dự án tiêu biểu trong số rất nhiều dự án khởi nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào đẩy mạnh và ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, giúp các doanh nghiệp tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp khởi nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.