Việt Nam đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong khởi nghiệp

Tạ Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Từ năm 2014, Chính phủ đã đưa AI vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. 

Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển trí tuệ nhân tạo được coi là cơ hội mới cho Việt Nam trong thời đại số, thông qua kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, đến các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong khởi nghiệp - ảnh 1Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 (AI4VN Summit 2019). Anh: Báo điện tử Petrotimes

Trên thế giới và tại Việt Nam, Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội, thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, quân sự, chính trị. Việt Nam được nhận định cũng không đứng ngoài xu hướng phát triển này. Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trong những nền tảng, động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển công nghệ AI cho Việt Nam, thông qua kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp startup đến cộng đồng AI. Mục tiêu của Việt Nam là thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI trong nhiều ngành kinh tế- xã hội trọng yếu của Việt Nam như y tế, giáo dục, kinh doanh, thương mại, tài chính, nông nghiệp…

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Trong vài năm gần đây, một lần nữa trí tuệ nhân tạo lại nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu trường đại học và đặc biệt là hình thành cộng đồng nghiên cứu phát triển, chia sẻ tri thức về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Có lẽ chúng ta chỉ có thể phát triển được AI tại Việt Nam nếu chúng ta tập hợp được sức mạnh của từng con người, từng nhà nghiên cứu, từng lãnh đạo trong các tập đoàn, tập hợp lại với nhau, tập hợp dữ liệu với nhau, chia sẻ dữ liệu với nhau, chia sẻ sức mạnh tính toán với nhau, chia sẻ tri thức với nhau, thì có như vậy chúng ta mới kỳ vọng phát triển AI nói riêng và các công nghệ trong 4.0 nói chung và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong khởi nghiệp - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại lễ khai mạc AI4VN Summit 2019. - Ảnh: Báo điện tử Petrotimes 

Vừa qua, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 được tổ chức với chủ đề “Đẩy mạnh hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo” là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay về AI. Chương trình tạo nền tảng kết nối cho các thành tố trong hệ sinh thái công nghệ AI bao gồm: các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, startup công nghệ, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng AI, cơ sở đào tạo...

Ngày hội quy tụ hàng trăm bộ óc trí tuệ Việt trong lĩnh vực AI trong và ngoài nước nhằm định hướng phát triển cho ngành công nghiệp AI Việt Nam với nhiều hoạt động thuyết trình, thảo luận, workshop, triển lãm, biểu diễn công nghệ, cuộc thi hackathon… thu hút khoảng 2.000 người tham dự.

Ông Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết: AI là yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển đổi số mà nhiều DN tại Việt Nam đang hướng tới. Đây không chỉ là yếu tố thu hút khách hàng, thay đổi mô hình kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp không tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ 4.0: “Việc tổ chức ngày hội này của Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Kế hoạch đầu tư là một trong những sự kiện kết nối rất tốt vì sẽ giúp hình thành một cộng đồng, vì phát triển AI thì chúng ta phải xác định là chỉ có hình thành cộng đồng thì mới có thể phát triển mà nói vui là mới có thể đấu được với nước ngoài. Vì nếu không cẩn thận thì chúng ta chỉ là nơi sử dụng công nghệ của nước ngoài, chúng ta dùng rất nhiều trí tuệ nhân tạo nhưng chẳng có cái gì của chúng ta cả. và như vậy nó ảnh hưởng đến câu chuyện an ninh quốc gia nữa, chúng ta bị mất dữ liệu, rồi chúng ta không tự chủ được về công nghệ, bị phụ thuộc về công nghệ”.

Trong vài năm trở lại đây, ngành AI của Việt Nam cũng được quan tâm đầu tư, phát triển. Từ năm 2014, Chính phủ đã đưa AI vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ AI được xác định là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng này. Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2018 cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển ngành AI thông qua nhiều nhóm chính sách.

Tháng 10/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025” nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh. Năm 2018 cũng đánh dấu sự kiện thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu