Sự phát triển của nông nghiệp thông minh là đòi hỏi tất yếu đối với nông nghiệp thế giới cũng như ở Việt Nam. Lĩnh vực nông nghiệp hiện nay được rất nhiều startup quan tâm. Nhiều công nghệ cao đang được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và đó chính là tiềm năng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa sản phẩm ra thị trường, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làng công nghệ nông nghiệp là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong chương trình Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest trong những năm gần đây. Mục tiêu của làng là tập trung truyền thông các sản phẩm, mô hình của các startup nông nghiệp, kết nối với nhu cầu của thị trường và sử dụng sản phẩm - dịch vụ của nhau thông qua chuỗi giá trị; xây dựng một mạng lưới các nguồn lực hỗ trợ, kết hợp công nghệ với chuyên ngành nông nghiệp để ứng dụng vào trong các mô hình kinh doanh của startup; gia tăng, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các startup về công nghệ ứng dụng thông qua mạng lưới hỗ trợ.
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agricare Việt Nam - Cố vấn Cao cấp Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng làng công nghệ nông nghiệp tại Techfest Việt Nam |
Nói đến nông nghiệp thông minh thì trước hết phải nói đến ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, đưa mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh đã được Việt hóa vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agricare Việt Nam - Cố vấn Cao cấp Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng làng công nghệ nông nghiệp tại Techfest Việt Nam - người góp phần tạo sức bật mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, cho biết: "Chúng ta nói đến nông nghiệp công nghệ cao vì nông nghiệp thông minh dựa trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao. Nói đến nông nghiệp công nghệ cao thì đầu tiên phải nói đến việc đưa công nghệ vào trong sản xuát, trong chế biến và những công nghệ này phải mang tính đột phá. Có thể chúng ta đột phá về năng suất, chất lượng, có thể liên quan đến an toàn thực phẩm hoặc là bảo vệ môi trường. Rất nhiều ứng dụng hiện nay đang được đưa vào nông nghiệp, đặc biệt là những mô hình nông nghiệp thông minh đang được ứng dụng phát huy rất hiệu quả, đặc biệt là phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng giàu có của nông nghiệp thông minh, cần rất nhiều điều kiện như: áp dụng thành tựu công nghệ tiên tiến vào sản xuất và bảo quản; khuyến khích được các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư và kinh doanh nông nghệp, đặc biệt là các sản phẩm sáng tạo…
Theo ông Đàm Quang Thắng, khi nói đến khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh thì gần như có một lĩnh vực tách biệt hẳn. "Chúng ta đang quen sản xuất theo hướng nông nghiệp truyền thống, chúng ta đang sản xuất, đang bán những cái chúng ta có thì khi đưa nông nghiệp thông minh vào thì chúng ta sẽ làm theo nhu cầu thị trường. Khi chúng ta đã sản xuất theo nhu cầu thị trường thì phải rất rõ ràng về việc sản phẩm, giá trị của sản phẩm mang lại cho cộng đồng và đặc biệt là khách hàng ta định nhắm tới, nhu cầu mà khách hàng của ta đang gặp phải, đưa mô hình kinh doanh hoặc công nghệ của chúng ta vào, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng."
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất theo hướng số lượng nhiều hơn, chưa tập trung vào chất lượng. Bên cạnh đó, ngoài chất lượng thì mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được nhu cầu thị trường không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Khi đưa sản phẩm vào thị trường cao cấp thì mẫu mã sản phẩm là một yếu tố cần được quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm đã chế biến.
Chị Ngô Thị Hiền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Lineup, ứng dụng công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch như sấy khô, sản xuất bột từ rau củ, cho biết: "Hiện tại, mọi người cũng đang hướng tới tiêu dùng xanh - sạch và hướng tới những sản phẩm thân thiện. Tuy nhiên, sản phẩm ở Việt Nam nói chung chủ yếu bán ra thị trường ở dạng tươi. Hàng năm, có những cuộc kêu gọi giải cứu nông sản, đó là một sự lãng phí lớn trong khi nhu cầu tiêu dùng của mọi người về những sản phẩm như thế này rất cao mà người nông dân lại là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Vì vậy, tôi hướng đến sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Tham gia Techfest, công ty tôi có nhiều cơ hội hợp tác để tìm nhà đầu tư, nhà phân phối, đại lý."
Từ năm 2016, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Bộ Khoa học – Công nghệ” được triển khai đã tạo sức bật cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Số lượng startup tăng nhanh, tư duy, mô hình của startup thay đổi rất nhiều. Cùng với việc huy động nguồn lực của xã hội, nguồn lực của những người đam mê khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu..., hỗ trợ tốt nhất cho các startup hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc phát huy lợi thế của Việt Nam, các công nghệ về nông nghiệp hứa hẹn một sự bùng nổ cùng với sự phát triển của làn sóng khởi nghiệp và sự phát triển của công nghệ 4.0. Hy vọng nông nghiệp thông minh sẽ sớm trở thành một xu hướng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt khởi nghiệp thành công.