Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội cho nền kinh tế thế giới và các doanh nghiệp vừa, nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp đang nở rộ và các doanh nghiệp đã, đang có những sự chuẩn bị kỹ càng và sẫn sàng đón nhận các cơ hội là cuộc cách mạng lần thứ 4 mang lại.
Ảnh minh họa: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng tại Việt Nam. - Ảnh: laodongthudo. |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp đang phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Việt Nam và được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành cũng như toàn thể cộng đồng. Xu hướng khởi nghiệp cũng là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hằng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam và tạo ra động lực, sức sống mới cho nền kinh tế. Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ mới Toàn Cầu, cho rằng: “Cùng với sự phát triển của đất nước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được công ty chúng tôi đánh giá là cơ hội để thay đổi căn bản về cách quản lý, tối ưu hóa quy trình và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để chuẩn bị cho cách mạng 4.0. Công ty cổ phần phát triển Công nghệ mới Toàn Cầu đã lên kế hoạch đào tạo nhân viên về công nghệ thông tin để có thể áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Thay đổi cách quản lý kho hàng, kế toán bằng các phần mềm. Đào tạo nhân viên để có thể bán hàng, giải quyết đơn hàng dựa trên phần mềm mà nền tảng công nghệ số”.
Cuộc cách mạng 4.0 đã giúp các doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực, khai thác hiệu quả hơn nữa những nguồn tài nguyên sẵn có. Với 4.0, hàng tỷ kết nối giữa con người với con người, con người với máy móc, máy móc với máy móc… làm thay đổi phương thức kinh doanh và tổ chức sản xuất. Ông Lê Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH công nghệ thương mại Đức Tuấn, cho rằng: “Trước đây nếu doanh nghiệp muốn bán hàng thì phải mở cửa hàng, trưng bày các sản phẩm để mọi người nhìn thấy đến xem và mua. Còn hiện nay, chỉ cần lên internet, hàng triệu người có thể thấy sản phẩm của doanh nghiệp đang bán và cũng chỉ với một cú nhấp chuột là khách hàng có thể mua được sản phẩm. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải có sự thay đổi, từ sản xuất, mẫu mã, marketing đến bán hàng, nhất là với doanh nghiệp start up, phải quan tâm và đề ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp”.
Ảnh minh họa: Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra bài toán về nguồn nhân lực, thị trường, khách hàng và các thách thức cho startup của Việt Nam. - Ảnh TTXVN |
Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra bài toán về nguồn nhân lực, thị trường, khách hàng và các thách thức cho startup của Việt Nam. Tuy nhiên 4.0 cũng mở ra cơ hội công bằng cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp startup nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng đón nhận các cơ hội.
Trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam có lợi thế cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nắm bắt công nghệ như thế nào, tận dụng được bao nhiêu để phát triển thị trường mới là điều quan trọng. Mỗi người cũng cần trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, am hiểu thị trường, nâng cao tính kỷ luật và tinh thần làm việc.
Ông Nguyễn Đồng Hà, Giám đốc Marketing Công ty Vietchem, cho rằng: 4.0 khiến doanh nghiệp phải thay đổi. Nếu doanh nghiệp startup có quy trình hoàn chỉnh, chặt chẽ, hệ thống quản lý nhanh, hiệu quả thì sẽ cạnh tranh và phát triển. Chính vì thế, tiếp cận cách mạng 4.0, các startup Việt Nam cần nắm bắt và có sự đầu tư, tìm hiểu kỹ càng, có chiều sâu: “Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam cần có các kiến thức tốt về trí thông minh nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu có khối lượng lớn (Big Data), công nghệ Blockchain và AR-VR. Áp dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp online tốt nhất có thể. Ngoài ra nên ứng dụng các công nghệ AI , IoT, Blockchain, từng bước để cải thiện năng suất cũng như gia tăng việc khai thác kinh doanh một cách hiệu quả. Các công nghệ này cần được áp dụng theo phương thức đón và tối ưu từ những nước đi đầu như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…. Xây dựng đội ngũ nhân sự am hiểu tiếp thị số và có những hiểu biết, kỹ năng cơ bản của 4.0. Luôn đổi mới những phương án kinh doanh cho phù hợp với thị hiếu, nhu cầu và thói quen của khách hàng thời đại 4.0. Đồng thời chuẩn bị tốt nguồn vốn cũng như việc kêu gọi các nhà đâu tư có tính dài hạn để duy trì mạch kinh doanh và sản xuất”.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp start up Việt Nam đang từng ngày tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Việc phát triển và cạnh tranh giữa các start up trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ tạo thêm lực đẩy, mang về những công nghệ mới và mở ra sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.