Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn

Vân- Thanh
Chia sẻ
(VOV5) -Nguyên khôi xanh của vợ chồng Nguyễn Phương Thảo đã và đang góp phần xây dựng hệ sinh thái bền vững và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế chính là tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi như thân cây ngô, đậu, lạc, bã sắn, bã mía, vỏ trấu…để làm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi. Tại những mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, người ta gần như không phải bỏ đi thứ gì, ngược lại còn bắt rác thải “đẻ” ra tiền. Đáng quý hơn, những mô hình này không phát chất thải nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như việc thoái hóa đất …Nguyên Khôi Xanh của vợ chồng Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Lương Quyết ở Phú Thọ là một mô hình khởi nghiệp như vậy.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Tốt nghiệp thạc sĩ về môi trường ở Anh, trở về nước, chị Nguyễn Phương Thảo luôn trăn trở trước thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn và mong muốn có nguồn thực phẩm sạch, không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Sau thời gian tìm hiểu, năm 2017, chị cùng chồng là một kỹ sư xây dựng đã rời Hà Nội, lên huyện Yên Lập (Phú Thọ), sáng lập ra Nguyên khôi xanh, mô hình trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, không gây  ô nhiễm môi trường.

Khác với những mô hình chăn nuôi hiện có tại Việt Nam chỉ phát triển theo một chiều, mô hình của Nguyên khôi xanh được nghiên cứu rất kỹ lưỡng những kỹ thuật trong việc xử lý chất thải, hướng tới xử lý triệt để chất thải. Đặc biệt, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác.  "Ở Nguyên khôi Farm, chúng tôi tập trung chăn nuôi và trồng trọt. Chất thải trong chăn nuôi sẽ đi qua hệ thống công nghệ rất thân thiện với môi trường, hệ thống bể lọc ngập nước kiến tạo, bao gồm các vật liệu lọc và cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là nitơ và phốt pho, có chi phí vận hành thấp, chi phí đầu tư cũng thấp và hầu như không sử dụng năng lượng hóa thạch, để xử lý trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng. Nói chung là thành một vòng tuần hoàn khép kín."

Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn - ảnh 1 Phương Thảo xây dựng trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường

Trong mô hình này, vấn đề được ưu tiên hàng đầu là vật nuôi hạnh phúc, khỏe mạnh bởi đề kháng tự nhiên; chất lượng nông sản thơm ngon và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Vật nuôi được sống môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất.

"Sản phẩm chăn nuôi là thịt gà tươi, thịt lợn tươi sản xuất theo  công nghệ thịt mát. Về trồng trọt thì chúng tôi có các sản phẩm trà hoa, ví dụ trà hoa hồng, trà hoa cúc, trà hoa thược dược. Qua 3 năm làm về nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm. Từ năm 2018, chúng tôi giới thiệu với 600 khách hàng bán lẻ, 50% khách quay trở lại mua lần thứ 2, chứng tỏ sản phẩm được khách đón nhận với sự đánh giá cao."

Nhờ những ưu việt trong sản xuất hữu cơ, mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn của vợ chồng Nguyễn Phương Thảo đã nhận được nhiều giải thưởng như giải thưởng tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019, được Ngân hàng thế giới vinh danh ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hướng tới nền kinh tế xanh…

Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn - ảnh 2 Sản phẩm của trang trại Khôi nguyên Xanh được trưng bày tại các Hội chợ, triển lãm. 

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ khoa học và công nghệ) đánh giá: "Dự án của Nguyên Khôi Farm khai thác được 2 yếu tố rất quan trọng: một là giá trị bản địa của các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thứ 2 là mô hình kinh tế chia sẻ kết hợp với các yếu tố kỹ thuật công nghệ hiện đại, từ quy hoạch vùng trồng, phương án sản xuất chăn nuôi, đặc biệt ứng dụng cả kỹ thuật vi sinh công nghệ sinh học để tối ưu hóa quy trình sản xuất, đem lại chuối giá trị chi người sản xuất. Các bạn là doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng có tầm nhìn cũng như khát vọng để biến việc phát triển mô hình nông nghiệp truyền thống thành mô hình nông nghiệp hiện đại.

Không dừng lại ở đó, những người sáng lập Khôi nguyên xanh đang hướng đến vận động các trang trại xung quanh hình thành vùng nuôi trồng có môi trường sạch, chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng của người tiêu dùng. 

Nguyễn Phương Thảo bày tỏ: "Chúng tôi rất mong muốn nhân rộng mô hình này trở thành một vùng chăn nuôi bền vững, trong vùng chăn nuôi đấy có thể tự cung cấp nguyên liệu đầu vào sát với tiêu chuẩn hữu cơ, để cả vùng có thể mang thương hiệu là vùng sản xuất nông nghiệp bền vững. Những nông hộ ở vùng đấy sẽ dễ dàng để thương mại hóa sản phẩm của mình hơn."

Đánh giá về triển vọng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp bền vững của Nguyên khôi xanh, Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC, cho rằng:  "Thực sự nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn đang là xu thế. Đây là mô hình cần có sự liên kết với nhau để tạo thành chuỗi hệ sinh thái trong chăn nuôi. Nguyên khôi xanh đã tạo ra mô hình mới, có thể nhân rộng."

Thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường… Nguyên khôi xanh của vợ chồng Nguyễn Phương Thảo đã và đang góp phần xây dựng hệ sinh thái bền vững và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Duy Nhật Nguyễn

Thật thán phục tinh thần khởi nghiệp của đôi vợ chồng bạn! Nếu co nguyện vọng để thực hiện dự án như các bạn... Xem thêm