Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Xã Cao Bồ có 11 thôn, bản với dân số hơn 4000 người, trong đó 96% là dân tộc Dao. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, điều kiện điều kiện thổ nhưỡng tốt, khí hậu mát mẻ nên rất thuận lợi để phát triển cây chè, nên chè ở đây ngon hơn các nơi khác.
Sản phẩm chè Cao Bồ |
Chè Shan tuyết là giống chè quý hiếm, chỉ trồng được ở vùng cao, cây chè cao tới vài mét, có cây tuổi hàng trăm năm. Chè có búp to màu trắng xám, dưới lá có phủ một lớp lông tơ mịn, trắng nên người dân gọi là chè tuyết. Trà Shan tuyết có mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu mật ong, rất tốt cho sức khỏe, được coi là đặc sản của tỉnh Hà Giang.
Xã Cao Bồ có gần 1000 ha trồng chè, chia làm 2 vùng gồm vùng thấp tức là trồng ở nơi thấp gồm 7 thôn, bản và vùng cao chè trồng ở nơi cao gồm 4 thôn, bản. Đặc biệt, ở đây người dân trồng chè đều trồng phân tán và xen kẽ giữa các tán rừng cùng với các cây trồng khác chứ không trồng thành vườn, thành lô như ở những vùng chè khác, diện tích héc ta tính theo số lượng cây chè, cứ 1100 cây chè thì tính là 1 ha.
ng Lý Quốc Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Bồ, cho biết: “Thế mạnh chúng tôi là chè hữu cơ. Chứng nhận hữu cơ bà con dễ bán hơn, giá trị cây chè cao hơn so với các vùng khác. Hiện nay từ cây chè nhiều hộ gia đình có kinh tế khá, sắm sửa được ô tô, nhiều vật dụng gia đình hiện đại. Xã xác định cây chè là cây để làm giàu, phát triển kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Nên chủ trương xã là tuyên truyền người dân trồng thêm cây chè, mở rộng diện tích chè. Chúng tôi phối hợp với Công ty cổ phần trà hữu cơ Cao Bồ tổ chức tuyên truyền cho bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm chè trên địa bàn và không sử dụng phân bón vô cơ mà làm ảnh hưởng đến môi trường hữu cơ của chè.”
Nhờ những nỗ lực trong việc bảo vệ rừng chè san tuyết cổ thụ và thu hái, chế biến thủ công, năm 2011, chè shan tuyết Cao Bồ được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic Cao Bồ. Đến năm 2016, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng chính thức trao “Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam” cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết trên 100 năm tuổi ở xã Cao Bồ.
Thường thì mỗi năm người nông dân ở xã Cao Bồ thu hoạch được 3 vụ chè, năm nào thời tiết thuận lợi thì thu hoạch được 4 vụ. Trong đó, vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 2, tháng 3 âm lịch là được chè ngon nhất và cũng được giá nhất, từ 600000 đến 900000 đồng/1kg trà khô (khoảng 25 đến 40 USD/1kg trà khô).
Quang cảnh sản xuất chè ở nhà anh Hoàng Tinh Kiêm |
Anh Hoàng Tinh Kiêm, một người dân trồng chè ở thôn Thăm Vè, xã Cao Bồ, kể: “Diện tích chè nhà tôi khoảng 3 ha chè Shan tuyết. Tôi chế biến chè được khoảng 3 năm nay thấy thay đổi lên. Gia đình thu nhập kha khá từ cây chè, mua được ô tô đi. Một vụ bán được khoảng 4 tạ chè, giá trung bình 300.000 đồng/kg nhân lên cũng kha khá tiền. Xã, huyện có chương trình hỗ trợ hộ trồng chè cho dân. Ví dụ làm nhà xưởng xã cho vay 100 triệu không lấy lãi, tập huấn cho bà con về kinh doanh. Xã và huyện đang hỗ trợ bà con làm thương hiệu, mã vạch nhận diện hàng hóa chè. Chương trình CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa) hỗ trợ mình ký là phải sản xuất chè đạt chuẩn, tức là chè sạch mới được đưa ra thị trường.”
Nhằm khuyến khích các hộ dân bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ và thi đua phát triển sản xuất, xã Cao Bồ thành lập 4 nhóm sở thích sản xuất chè. Mỗi nhóm có từ 10 đến 20 hộ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, hái chè. Bên cạnh đó địa phương đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè.
Bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị Xuyên, cho biết: “Vùng chè ở huyện Vị Xuyên đã được công nhận tiêu chuẩn VietGap. Chè hữu cơ của Cao Bồ đã xuất khẩu ra 6 nước trên thế giới như Trung Quốc, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Chúng tôi cũng hướng tới sản phẩm OCOP (Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị). Huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên môn giúp bà con cũng như tuyên truyền cho bà con thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn VietGap để đảm bảo chất lượng, đưa ra thị trường.”
Do mang lại giá trị kinh tế rất cao nên chè Shan tuyết ở xã Cao Bồ bán ở thị trường trong nước không nhiều mà chủ yếu dành để xuất khẩu. Mỗi năm, xã Cao Bồ xuất khẩu khoảng 200 tấn chè Shan tuyết sang các nước châu Âu, châu Á. Phát triển cây chè Shan tuyết đang là hướng đi đúng ở xã Cao Bồ. Qua đó, không chỉ góp phần bảo tồn, giữ gìn nguồn gen quý hiếm của giống chè vùng cao, mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững ở địa phương