Cũng như các nước trên thế giới, tại Việt Nam nông nghiệp hữu cơ đang đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với an toàn thực phẩm (ATTP) vì chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh, sức ép về vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, Việt Nam đang nỗ lực đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao chất lượng lương thực, thực phẩm bằng nông nghiệp hữu cơ, qua đó xây dựng một nền nông nghiệp thông minh bền vững. VOV5 phỏng vấn Tiến sĩ Lê Thị Thúy, Phó Viện trưởng Viện KHKT Chăn nuôi Quốc gia, Phó ban KHKT Hội nữ trí thức Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa bà, canh tác nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của tương lai. Vậy xin bà cho biết đôi nét về tình hình phát triển mô hình nông nghiệp sạch và thông minh này tại Việt Nam?
PGS Tiến sĩ Lê Thị Thúy,là một trong những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam thành công trong lĩnh vực nghiên cứu về chọn lọc nhân tạo giống bò sữa cao sản. |
PGS,TS Lê Thị Thúy: Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đang trên đà phát triển rất tốt. Năm 2010, cả nước có 21 nghìn héc ta và 43 nghìn ha năm 2014. Việt Nam có tiềm năng rất lớn, thứ nhất Việt Nam là quốc gia nằm ở bán đảo Đông Dương, có dân số khoảng 95 triệu dân và đặc biệt nhất là tỷ lệ sống ở nông thôn chiếm gần 67%. Từ những thuận lợi về khí hậu 4 mùa nóng-ẩm kéo theo những thuận lợi về thổ nhưỡng đất đai phì nhiêu, làm cho mức độ hoạt động của vi sinh vật cao. Có thể nói, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác,nông nghiệp hữu cơ hiện cần nhiều nhân lực và Việt Nam lại có lực lượng lao động đa số sống ở nông thôn, nên đây là lợi thế để chúng ta làm nông nghiệp hữu cơ. Tháng 9 năm ngoái, chính phủ có ban hành một nghị định tiêu chuẩn chung về Nông nghiệp hữu cơ. Điều này rất quan trọng trong khuyến khích một chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Hiện ngày càng có nhiều công ty đầu tư lớn cho sản xuất chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
PV: Vâng, rõ ràng là không thể phủ nhận giá trị của sản phẩm hữu cơ, nhưng hiện nay người tiêu dùng trong nước vẫn chưa có nhiều thông tin về sản phẩm hữu cơ. Điều này tác động như thế nào đên những người làm nông nghiệp hữu cơ hiện nay thưa bà?
PGS,TS Lê Thị Thúy: Thực tế, nông dân Việt Nam có truyền thống nông nghiệp kiểu hữu cơ từ hàng nghìn năm nay, nhưng khái niệm và phương pháp mới bắt đầu từ chục năm nay. Khó khăn nhất là hiện nay là về đăng ký chất lượng sản phẩm. Chúng ta chưa áp dụng chính sách, nghị định hướng dẫn cụ thể để người tiêu dùng biết được sản phẩm nào là hữu cơ, cái nào là không hữu cơ.
Chăn nuôi hay trồng trọt hay bất cứ gì kiểu hữu cơ bao giờ cũng phải một thời gian dài hơn, cần phải quay vòng, đáp ứng nhu cầu về đất, nước không được dùng kích thích tăng trưởng, năng suất thấp dẫn đến giá thành cao. Bỏ bao công như thế nhưng người tiêu dùng vẫn thắc mắc không biết đó phải là sản phẩm hữu cơ hay không.Vì thế,việc cần thiết là phải sơm có bộ tiêu chuẩn để người làm yên tâm sản xuất, còn người mua thì tin tưởng chất lượng. Thêm nữa, những sản phẩm chuẩn hữu cơ của Việt Nam chưa phong phú về chủng loại và còn hạn chế về số lượng.
Nông nghiệp hữu cơ được Nhà nước hỗ trợ cao. VN Economy |
PV: Xin bà cho biết một số mô hình Nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu được đánh giá là hiệu quả hiện nay ở Việt Nam?
PGS,TS Lê Thị Thúy: Hiện có một số mô hình, tiêu biểu như dự án NPU canh tác hữu cơ với sự hỗ trợ của chính phủ Đan Mạch. Người ta xây dựng sản phẩm hữu cơ trên 70% diện tích ở 9 tỉnh. Đối tượng chủ yếu là rau củ, lúa, cam, vải nho, chè, nước hoa quả. Mô hình thứ hai là Organic Đà Lạt với sản phẩm rau hữu cơ, hiện sản xuất hơn 150 chủng loại cung cấp chủ yếu cho phân khúc cao cấp ở Hà Nội, TP Hồ chí Minh, Đà Nẵng, suất ăn hàng không, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và các nước lân cận. Tập đoàn TH Milk cũng là một điển hình chăn nuôi bò sữa hữu cơ theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và Mỹ. Đây là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất sữa hữu cơ, trước đây Việt Nam phải nhập từ nước ngoài.:
PV: Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ, thì ngành nông nghiệp hữu cơ nói riêng cần tận dụng và thích ứng như thế nào thưa bà?
PGS,TS Lê Thị Thúy: Xu hướng hiện tại nhu cầu nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam tăng nhanh vì khi an ninh lương thực được đảm bảo rồi thì nhu cầu về thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe. Thị trường về hữu cơ của Việt Nam là rất tiềm năng, nếu chúng ta có bộ tiêu chuẩn xác định được đâu là thực phẩm hữu cơ. Khi đó người tiêu dùng không phải bỏ rất nhiều tiền để mua đồ hữu cơ ở nước ngoài trong khi mình sản xuất được với giá thành rẻ hơn nhiều. Ví dụ, nhiều người sẵn sàng mua 300 nghìn một kg gạo hữu cơ Nhật Bản trong khi của mình chỉ khoảng 35 nghìn. Đó là vấn đề niềm tin. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết để người dân biết được giá trị của Nông nghiệp hữu cơ. Bởi an toàn thực phẩm là ngọn và nông nghiệp hữu cơ là cái gốc.
Mô hình trồng rau hữu cơ ở Đà Lạt- Ảnh Bikofarm |
Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp hữu cơ rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông minh. Đặc biệt, vấn đề truy xuất nguồn gốc là yếu tố không thể thiếu trong kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm. Thêm nữa, khi diện tích đất đai ngày càng bị thu hẹp thì cần phải tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm sao để tăng nhiều nhất có thể diện tích cho nông nghiệp hữu cơ. Cần khoanh vùng diện tích trồng hay chăn nuôi hữu cơ rồi áp dụng những tiến bộ KHKT làm sao để nâng cao năng suất. Bởi, khi có số lượng nhiều thì giá thành sẽ hạ trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng hữu cơ.
PV: Rất cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn.