Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo

Huyền Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế có chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cải thiện mạnh mẽ.

Trong dòng chảy chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang không ngừng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai các chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) vừa ra đời nhằm cung cấp hạ tầng đồng bộ để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo, hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên số.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Được triển khai từ năm 2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tọa lạc tại Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km. Trung tâm được khánh thành vào ngày 28/10, với sứ mệnh hỗ trợ và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.

Đây là không gian dành cho đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam, với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ, các đơn vị, tổ chức ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước. Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng được một hệ thống các đối tác lớn trong hệ sinh thái, bao gồm rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế, rất nhiều các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước kết nối các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để tạo ra một sự hợp tác hiệu quả, nhằm tạo ra những giá trị công nghệ, thúc đẩy việc thương mại hóa, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo cho những công nghệ, sản phẩm mới".

Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo - ảnh 1Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư - Ảnh: laodong.vn

Với việc khai trương NIC, lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ sở hạ tầng đồng bộ, được trang bị tiên tiến và có các không gian làm việc nghiên cứu và phát triển cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Điều này đem đến sự hứng khởi, khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần 3DP Việt Nam, cho biết: "NIC là nơi giao lưu, kết nối giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong và ngoài nước, giúp họ phát triển, chuyển giao công nghệ. Sản phẩm của chúng tôi liên quan nhiều về sản xuất máy móc, thiết bị nên chi phí đầu tư cố định rất là lớn, đặc biệt là nhà xưởng kho bãi. Nhờ có NIC mà Công ty cổ phần 3DP Việt Nam được hỗ trợ rất nhiều về chi phí nhà xưởng, văn phòng. Ví dụ như văn phòng, đôi khi có tiền cũng không thuê được, mà NIC đã hỗ trợ rất nhiều với chi phí cực kỳ ưu đãi. Quan trọng hơn là 1 starup phải bán được hàng và NIC đã hỗ trợ công ty kết nối một số các đối tác rất lớn và việc quảng bá sản phẩm bán hàng được hỗ trợ rất nhiều".

Trong khi đó, ông Vũ Thanh Thắng, Sáng lập Công ty An ninh mạng thông minh SCS, bày tỏ: "NIC cũng là một trung tâm mà rất nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài quan tâm. Trong quá trình các doanh nghiệp Startup Việt Nam gọi vốn đầu tư thì ở NIC rất có lợi thế, bởi vì được tiếp xúc rất nhiều quỹ trên toàn thế giới".

Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo - ảnh 2Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tọa lạc tại Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km - Ảnh: laodong.vn

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lần đầu tiên cụm từ “đổi mới sáng tạo” là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện, Luật đầu tư 2020 đã nhắc đến ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó đến nay, Chính phủ luôn nỗ lực triển khai thực hiện bằng những chính sách và sự hỗ trợ cụ thể. Hiện, với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Chính phủ đã có những cơ chế riêng, nhằm tạo điều kiện thu hút các nguồn chất xám, công nghệ tiên tiến của thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Cần nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những cơ chế thử nghiệm, đặc thù cho các đổi tượng, lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới cho nền kinh tế. Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới, như: ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen xanh. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực; phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái đối mới sáng tạo".

Với nỗ lực và khát vọng mạnh mẽ, tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế có chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cải thiện mạnh mẽ, tăng 2 bậc so với năm ngoái. Chỉ số này xếp hạng dựa trên 5 tiêu chí: thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Việt Nam cũng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong vòng 1 thập kỷ qua, đồng thời là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Đây là tiền đề để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa đổi mới sáng tạo trở thành một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Đồng thời, đưa Việt Nam thành điểm đến của đổi mới sáng tạo, hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên số.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu