Đồng hành hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Phương Thoa
Chia sẻ
(VOV5) - Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã giúp hội viên phụ nữ có vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được các cấp hội phụ nữ trên toàn quốc triển khai trong giai đoạn 2017-2025. Tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, bằng các hình thức hỗ trợ đa dạng, từ nguồn lực đến kiến thức, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”  đã giúp nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp thành công, nâng cao đời sống, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Cơ sở trồng nấm gần 1.000 m2 của hai vợ chồng chị Lương Thị Kim Ngọc, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh mỗi ngày cho thu hoạch gần 100kg nấm rơm, nấm sò. Chị Kim Ngọc cho biết năm 2015, chị quây lưới lại thành khu nhà xưởng 300m2, mua máy móc làm nấm theo tiêu chuẩn Viet Gap. Đến năm 2018, được sự vận động, hỗ trợ, tập huấn của Hội phụ nữ huyện Gia Bình, chị tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”, mô hình của chị đoạt giải và nhận hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng phát triển trang trại. Trước đây với quy mô nhỏ thì mỗi tháng thu được vài tạ nấm, đến nay đã thu hoạch được gần 2 tấn nấm/tháng.

Đồng hành hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa - ảnh 1Chị Lương Thị Kim Ngọc, Hợp tác xã nông nghiệp Minh Ngọc với mô hình trồng nấm rơm và nấm sò - Ảnh: VOV

Chị Kim Ngọc chia sẻ: "Tôi may mắn nhận được giải triển vọng phụ nữ khởi nghiệp, được hỗ trợ vốn để triển khai ý tưởng. Từ nguồn vốn đó, tôi đã đầu tư máy móc, nâng cao sản lượng, năng suất lao động, góp phần nâng cao giá trị kinh tế với mô hình trồng nấm. Hội phụ nữ huyện cũng tập huấn về kiến thức bán hàng, quản lý trang trại, các lĩnh vực về chế biến, bảo quản thực phẩm. Dự kiến, thời gian tới, gia đình tôi sẽ ổn định quy mô trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm".

Tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, sau khi đồng hành cùng chị Bùi Thị Mai, tham gia cuộc thi khởi nghiệp và được hỗ trợ kinh phí mở rộng chuồng nuôi gà. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện lại tiếp tục hỗ trợ chị Mai làm hồ sơ, thủ tục để thành lập Hợp tác xã, đồng hành hướng dẫn chị hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” của tỉnh với số vốn 1 tỷ đồng (khoảng 40 nghìn USD), để triển khai mô hình nhân giống gà Đông Tảo, ứng dụng công nghệ cao trong ấp trứng, bán con giống. Hiện, đàn gà mái của gia đình chị Mai có khoảng 5 nghìn con, 200 con gà trống phối giống và 2 lò ấp, nở trứng hiện đại. Mỗi năm xuất chuồng từ 700.000 - 1 triệu gà giống, doanh thu của trang trại  khoảng đạt 2,9 tỷ đồng (gần 120 nghìn USD).

Chị Bùi Thị Mai cho biết: "Từ khi triển khai mô hình nuôi gà, chúng tôi tham gia cuộc thi cũng đã được hội phụ nữ các cấp tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn. Khi chúng tôi làm giấy tờ thủ tục để thành lập Hợp tác xã thì cũng được Hội phụ nữ các cấp hỗ trợ rất nhiều, chỉ dẫn cho chúng tôi việc thành lập hợp tác xã một cách thuận tiện nhất, nhanh nhất".

Đồng hành hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa - ảnh 2Chị Bùi Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất con giống Sơn Mai và mô hình nhân giống gà, ứng dụng công nghệ cao trong ấp trứng, bán con giống - Ảnh: VOV

Trong 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Bình đã hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã; 3 tổ liên kết sản xuất rau an toàn theo công nghệ hữu cơ bền vững. Đặc biệt, Hội đã hướng dẫn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp và tiếp nhận các ý tưởng của hội viên, đề xuất lên ngân hàng Chính sách xã hội huyện thẩm định, hướng dẫn phụ nữ làm các thủ tục hồ sơ để được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng kịp thời. Đến nay, đã có 36 phụ nữ khởi nghiệp được vay vốn ưu đãi, doanh số cho vay đạt gần 31 tỷ đồng (hơn 1,2 tỷ USD), giúp họ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm các văn bản đề xuất với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để cho Hội viên được tiếp cận nhiều nhất với nguồn vốn phụ nữ khởi nghiệp. Sau đó, hướng dẫn về hồ sơ về thủ tục để vay vốn một cách nhanh nhất. Chúng tôi cùng với các ngành nông nghiệp, huyện hỗ trợ về thủ tục thành lập hợp tác xã, các văn bản về an toàn thực phẩm, cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, tập huấn, hướng dẫn hỗ trợ cho các hội viên phụ nữ có năng lực trình độ để quản lý, kết nối các nhà khoa học để họ tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Chúng tôi liên doanh liên kết đến các siêu thị rồi các doanh nghiệp để làm sao cho kết nối sản phẩm tiêu thụ cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp".

Không chỉ ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, thực tế cho thấy, Chương trình cho vay vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thuộc Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã giúp hội viên phụ nữ có vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đời sống của chị em phụ nữ được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Trong đó, các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp là diễn đàn lớn, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia các mô hình kinh tế đa dạng, như: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể... để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu