Phụ nữ Tháp Mười, Đồng Tháp khởi nghiệp nhờ áp dụng công nghệ

Phạm Hải
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện tại, huyện Tháp Mười có 47 sản phẩm khởi nghiệp, đa số các sản phẩm được kinh doanh trên đa phương tiện, đem lại thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ.

Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khởi nghiệp ở Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp ra đời từ năm 2019 đã hỗ trợ cho nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp với các sản phẩm địa phương. Trước xu thế của mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử, CLB đã hướng dẫn các thành viên thay đổi phương thức kinh doanh để bắt kịp nhu cầu thị trường. Nhờ áp dụng công nghệ, các đơn hàng gia tăng và việc bán hàng thuận lợi hơn, mang lại doanh thu ổn định cho các thành viên.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 

Từ lúc còn chưa quen, thậm chí ngượng ngùng khi lần đầu ngồi trước màn hình livestream giới thiệu sản phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều chị em đến nay đã thành thạo và chuyên nghiệp, tự tin bán hàng, nhờ sự hướng dẫn và thực hiện trực tiếp trên các buổi livestream của CLB Phụ nữ khởi nghiệp.

Phụ nữ Tháp Mười, Đồng Tháp khởi nghiệp nhờ áp dụng công nghệ - ảnh 1Các chị em thực hiện các buổi livestream trực tiếp bán hàng - Ảnh: Phạm Hải

Chị Hồ Thị Diễm Thúy, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khởi nghiệp huyện Tháp Mười, chia sẻ: "Khách hàng truyền thống mình phải giữ và có thêm 1 phương thức bán nữa là livestream. Do nhu cầu hiện nay mua hàng trên mạng xã hội ngày càng phát triển, ở nông thôn không biết về bán hàng kiểu này nên CLB phụ nữ tập huấn cho chị em bán hàng livestream. Đến nay, các chị em đã biết cách và không còn rụt rè như trước. Những lớp tập huấn hiện nhiều người tham gia hơn vì họ thấy rõ có hiệu quả bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội rất ổn".

Chị Nguyễn Thị Chi, Chủ cơ sở khô Liêm Chi, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, chia sẻ hiện tại livestream trên các nền tảng mảng xã hội, nhất là tiktok là kênh bán hàng chính của chị, ngoài phương thức bán hàng truyền thống trước đây: "Hồi xưa, thì không biết bán trên các nền tảng online, như: Facebook, zalo…, tại mình không biết cách đăng bài, rồi không biết cách quay video. Lâu lâu mình mới đăng 1 video thì không có khách. Nhưng hiện tại, qua các lớp tập huấn được hướng dẫn thì mình đã biết cách để làm thế nào bán được hàng trên các nền tảng như Facebook, zalo và đặc biệt trên tiktok. Mình bán được nhiều hơn so với trước. Bây giờ, mặt hàng khô của mình bán được khắp nơi, đi xa như Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn".

Phụ nữ Tháp Mười, Đồng Tháp khởi nghiệp nhờ áp dụng công nghệ - ảnh 2Bán hàng trên nền tảng mạng xã hội đã giúp CLB Phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng - Ảnh: Phạm Hải

Trong khi đó, chị Trần Thị Trinh, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Phát Huy ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, cho biết sau khi được hướng dẫn cách bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội, chị cũng đã livestream để bán, nhờ bán hàng trên nhiều kênh nên thị trường mở rộng, nhu cầu về sản lượng tăng gần 10 lần, nhất là dịp tết Nguyên đán. Do vậy, chị vừa mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất tự động, như: máy cắt bánh kẹo và máy đóng gói thay cho sản xuất thủ công trước đây. Việc chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất tự động giúp giảm nhân công, giảm chi phí, tăng sản lượng. Chị Trinh cho biết: "Đầu tư máy móc nên giá thành cũng cạnh tranh hơn, đơn đặt hàng nhiều quá nên làm thủ công ít, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bắt buộc phải chuyển đổi lên máy móc hiện đại. Cơ sở chúng tôi đang hướng tới sản phẩm nào của địa phương thì sẽ đăng ký OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm)".

Ngoài hướng dẫn kinh doanh đa kênh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và CLB Phụ nữ khởi nghiệp Tháp Mười luôn quan tâm, phối hợp với các ngành liên quan của địa phương hỗ trợ, hướng dẫn hội viên hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký sản phẩm OCOP để sản phẩm thương mại hóa tốt hơn, nhất là khai thác các kênh phân phối mới để sản phẩm khởi nghiệp của chị em hội viên tiếp cận thị trường hiệu quả. Năm ngoái, đã có 20 sản phẩm được đăng ký khởi nghiệp.
Hiện tại, huyện Tháp Mười có 47 sản phẩm khởi nghiệp, đa số các sản phẩm được kinh doanh trên đa phương tiện, đem lại thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ. Điều đặc biệt là các chị em phụ nữ thay đổi phương thức kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu