Doanh nghiệp Việt ở Bình Dương thay đổi để thích ứng với khó khăn

Thiên Lý
Chia sẻ
(VOV5) - Tập trung phục vụ thị trường nội địa, cùng nhau chia sẻ đơn hàng, cũng là cách mà hơn 50 doanh nghiệp trong Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương đang làm.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam ở Bình Dương vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Điều này cho thấy sự chủ động, linh hoạt, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội của doanh nghiệp trên địa bàn. Chính quyền tỉnh Bình Dương cũng đã tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Là doanh nghiệp được các công ty nước ngoài "chọn mặt gửi vàng" gia công sản phẩm, thế nhưng 2 năm vừa qua, Công ty TNHH Giày Nam Bình, ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cũng gặp khó khăn, khan hiếm đơn hàng do đại dịch COVID-19 và xung đột thế giới. Không thụ động ngồi một chỗ chờ đợi, Ban Giám đốc công ty đã quyết chuyển hướng: thay vì nhận đơn hàng nước ngoài về sản xuất, công ty tự làm ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Đến nay, mỗi tháng công ty làm ra hơn 40.000 đôi giày cung ứng cho khách hàng trong nước, duy trì việc làm ổn định với mức lương cao cho 230 công nhân. 
Doanh nghiệp Việt ở Bình Dương thay đổi để thích ứng với khó khăn - ảnh 1Công nhân Công ty TNHH Giày Nam Bình đang kiểm hàng. Ảnh: VOV

Công ty đã tự nghiên cứu phát triển mẫu mã, chủ động nguyên liệu sản xuất, "lội ngược dòng" để vượt qua khó khăn và bứt phá. Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Giày Nam Bình, nếu nắm bắt được thị hiếu khách hàng nội địa thì ắt sẽ thành công:  "Một trong những tiêu chí của công ty là phải làm ra mẫu giày tốt, đẹp. Khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm phải tối ưu hóa không để lãng phí vật tư, thiết kế phải tiết kiệm nhất. Hiện nay, chi phí làm ra đôi giày thì công đoạn may chiếm 60% nên công ty đã đưa công nghệ mới vào sản xuất, như: in 3D, ép cao tần để giảm công đoạn may."

Tập trung phục vụ thị trường nội địa, cùng nhau chia sẻ đơn hàng, cũng là cách mà hơn 50 doanh nghiệp trong Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương đang làm khi khan hiếm đơn hàng xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ. Ban đầu, các doanh nghiệp trong Hiệp hội tiêu thụ sản phẩm của nhau để tăng doanh thu. Tiếp đó, các doanh nghiệp tận dụng sự liên kết giữa hiệp hội này với hiệp hội khác để tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. 

Doanh nghiệp Việt ở Bình Dương thay đổi để thích ứng với khó khăn - ảnh 2UBND tỉnh Bình Dương tổ chức xúc tiến đầu tư giúp doanh nghiệp tìm đơn hàng. Ảnh: VOV 

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, chia sẻ đến nay, 70% doanh nghiệp trong Hiệp hội duy trì hoạt động tốt và có sự tăng trưởng. Năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sẽ triển khai thêm các giải pháp để cùng phát triển: "Chúng tôi tập trung vào những khách hàng có tiềm năng lớn, ít bị ảnh hưởng bởi sự khủng hoảng, có nguồn vốn dài hạn, đặc biệt là các tập đoàn đầu tư nước ngoài có khả năng tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu của họ để bù lại những thị trường xuất khẩu và thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài bị giảm sút."

Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, các sở, ngành trong tỉnh Bình Dương cũng đang tìm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Cụ thể, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã tổ chức kết nối trên 70 doanh nghiệp, khách hàng ký kết với nhau trong các chương trình hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Năm nay, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh xây dựng 4 chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài ở các thị trường lớn, thị trường mới và thị trường tiềm năng.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở, cho biết: "Chúng tôi tập trung vào thị trường có tiềm năng, như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Singapore và thị trường Lào. Tỉnh sẽ tổ chức 4 chương trình hội thảo lớn, tập trung một số lĩnh vực, ngành: chế biến gỗ, dệt may, logistics, xuất khẩu; bàn sâu, tìm giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp."

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Các đơn vị phải hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính và điều kiện vay vốn một cách nhanh gọn.

Ông Nguyễn Tầm Dương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương khẳng định: "Tỉnh đang áp dụng nhiều biện pháp để làm sao các chính sách của Trung ương được triển khai đồng bộ, nhanh để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Doanh nghiệp có ổn định sản xuất mới ổn định được việc làm và đời sống người lao động".

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thị trường giảm cầu và khó đoán định như hiện nay, các doanh nghiệp Việt, trong đó có các doanh nghiệp Bình Dương, đang nỗ lực thích ứng, duy trì sản xuất và điều chỉnh kế hoạch linh hoạt, phù hợp với thực tế. Chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp sẽ đón được cơ hội khi thị trường phục hồi hoàn toàn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu