Tận dụng lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương là quả Hồng vành khuyên, chị Vương Thị Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn quyết định khởi nghiệp, đầu tư xưởng sản xuất theo công nghệ Nhật Bản và bước đầu thành công với sản phẩm “Hồng vành khuyên treo gió”.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong một góc xưởng làm “Hồng vành khuyên treo gió” Toàn Thương, chị Vương Thị Thương treo từng quả hồng cột chặt bằng dây cước lên giàn phơi. Chị Thương chia sẻ, trước đây chị làm giáo viên nhưng chứng kiến cảnh quả hồng đặc sản của quê hương nhiều năm rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, tiêu thụ bấp bênh, chị quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn để tìm hướng đi mới cho sản phẩm này: “Sản phẩm hồng quê tôi có sản lượng 8.000 tấn/năm. Nhưng năm được mùa thì mất giá và thị trường bấp bênh, khiến bà con chặt, phá cây rất nhiều. Tôi nghĩ việc mình nâng tầm giá trị quả hồng vành khuyên sẽ đem lại giá trị lớn cho người dân, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, có thu nhập ổn định”.
Chị Vương Thị Thương cẩn thận treo những quả hồng vành khuyên lên giàn phơi - Ảnh: VOV |
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Thương gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra quy trình chuẩn cho hồng treo gió và đã không ít lần phải vứt bỏ hàng trăm kg hồng vì thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, với quyết tâm nâng tầm giá trị sản phẩm, chị Thương đã tìm hiểu, học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng treo gió ở Đà Lạt và một số nước khác, lựa chọn ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào sản xuất: “Tôi áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, từ khâu chế biến, sử dụng máy gọt vỏ và sử dụng máy sấy, máy xử lý nhiệt, nhà kính, máy hút chân không. Tôi cũng kết nối được với các chuyên gia về bảo quản để có quy trình làm cho chất lượng sản phẩm tốt hơn”.
Để sản xuất quy mô lớn và bảo đảm nguồn cung ổn định, chị Vương Thị Thương thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Thương, bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ dân trồng hồng vành khuyên trên địa bàn xã, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Ngoài làm hồng vành khuyên treo gió, trung bình mỗi tháng chị Thương cũng xuất bán khoảng 500 tấn hồng tươi, phân phối tại các địa phương miền Bắc. Vui mừng khi Hợp tác xã nông sản Toàn Thương ký hợp đồng thu mua hồng với giá cao ổn định hơn, chị Hoàng Thị Thúy, ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: “Gia đình có 600 gốc hồng vành khuyên, mỗi vụ quả cho thu hoạch khoảng 15 tấn. Trước giá cả thị trường bấp bênh, bây giờ có xưởng, tôi ký được hợp đồng nên giá ổn định hơn, không phải lo thương lái có về mua hay không”.
Để quảng bá sản phẩm, đồng thời gắn sản phẩm với những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, chị Thương đưa từng quả hồng vào bao bì nhỏ chứa thông tin 12 di tích lịch sử nổi tiếng, tương ứng với 12 địa phương của Lạng Sơn. Ngoài ra, chị cũng rất tích cực đưa hình ảnh và thông tin của sản phẩm hồng vành khuyên treo gió lên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội, như: Facebook, YouTube. Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được biết đến nhiều hơn, không chỉ tại địa phương mà còn lan tỏa ra các tỉnh, thành khác.
Đến nay, “Hồng vành khuyên treo gió” của chị Vương Thị Thương đã có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước - Ảnh: VOV |
Đến nay, “Hồng vành khuyên treo gió” của chị Vương Thị Thương đã có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng khát khao lớn hơn của chị là phát triển mạnh hơn, đưa được thương hiệu “Hồng vành khuyên treo gió” ra thị trường thế giới: “Mong muốn của tôi trong tương lai đó là xuất khẩu, đem những sản phẩm của người Việt, những sản phẩm của quê hương, đặc sản của vùng miền vươn tầm thế giới, góp phần bảo tồn và nâng tầm giá trị sản phẩm đặc sản quê hương. Hiện tại, thị trường hồng treo gió chủ yếu là tại miền Bắc. Định hướng trong nay là phủ sóng khắp toàn quốc và sang 2025 sẽ xuất khẩu sang các nước lân cận, như: Thái Lan, Trung Quốc”.
Sau hơn 1 năm triển khai, sản phẩm hồng treo gió của chị Thương hiện nay được thị trường đón nhận. Sản phẩm được bán với giá cao là 300.000 đồng (12,3 USD)/kg, trong khi giá hồng tươi chỉ có 15.000 đồng (0,62 USD)/kg, nhưng sản xuất đến đâu bán hết đến đó, đem lại doanh thu gần 1,5 tỷ đồng (62.000 USD) năm vừa qua. Hợp tác xã nông nghiệp Toàn Thương cũng tạo việc làm và tiêu thụ nông sản cho hàng chục hộ dân ở trong xã, giúp người dân yên tâm sản xuất. Với những thành công trên, chị Vương Thị Thương không chỉ góp phần nâng cao giá trị của đặc sản địa phương mà còn trở thành tấm gương khởi nghiệp cho nhiều phụ nữ mong muốn làm giàu từ sản vật của quê hương.