Động lực giúp thanh niên Sơn La khởi nghiệp

Thanh Thủy
Chia sẻ
(VOV5) - Nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình Ngày hội tiết kiệm – Vì tương lai xanh đã giúp thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp phát triển kinh tế.

Khởi nghiệp không còn là câu chuyện mới trong đoàn viên thanh niên, nhưng để xây dựng mô hình khởi nghiệp thì nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Tại Sơn La, mỗi năm đã có hàng chục mô hình, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được hiện thực hóa nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình Ngày hội tiết kiệm – Vì tương lai xanh. Qua đó, giúp thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Động lực giúp thanh niên Sơn La khởi nghiệp - ảnh 1Mô hình nuôi cá lồng của anh Lò Văn Đức

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Xuất thân ở vùng nông thôn, lại là trụ cột của gia đình, anh Lò Văn Đức, 37 tuổi ở bản Phiêng Hua Nà, xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. May mắn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng từ chương trình Ngày hội tiết kiệm – Vì tương lai xanh của Ngân hàng Chính sách xã hội, tháng 8/2021, anh Đức đã mạnh dạn đầu tư 6 lồng cá kiên cố thay thế 2 lồng tre trước đây.

Anh Lò Văn Đức cho biết: "Trước đây tôi chỉ làm nương sắn thôi, bây giờ được Ngân hàng chính sách  hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng, tôi đã đầu tư nuôi cá lồng. Trước, nuôi lồng tre thì không hiệu quả bây giờ cải tiến nuôi lồng sắt hiệu quả hơn. Tiềm năng ở đây thì nuôi cá rất thuận lợi vì nước trong xanh, môi trường rất sạch".

Động lực giúp thanh niên Sơn La khởi nghiệp - ảnh 2Anh Lò Văn Đức trao đổi kinh nghiệm nuôi cá lồng với đoàn viên thanh niên trong xã

Để tiện chăm sóc và xoay vòng vốn nhanh, anh Đức chọn nuôi các loại cá thuần như rô phi, trắm đen và cá lăng. Theo anh Đức, nuôi cá lồng không tốn nhiều công chăm sóc, lại có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho cá, việc phòng bệnh cũng không quá phức tạp nên ai cũng có thể làm được. "Có thể tận dụng cây ngô, cây chuối, phế phẩm nông nghiệp, 1 ngày cho ăn 2 lần, tận dụng thời gian nhàn để cho cá ăn, chủ yếu là sáng và tối. Có nhiều cách để phòng bệnh cho cá như rắc vôi quanh lồng hoặc treo túi vôi ở giữa lồng để phòng bệnh cho cá hoặc dùng thuốc kháng sinh trộn với cám cho cá ăn" - anh Đức nói.

Sẵn có nghề nuôi cá từ trước, cộng thêm bản tính cần cù, ham học hỏi, anh Đức vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong vòng 20 tháng kể từ ngày vay vốn khởi nghiệp, anh Đức đã xuất bán được 2 lứa với sản lượng trên 10 tấn cá các loại, giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng (hơn 4.200 USD), thu lời khoảng 50 triệu đồng (khoảng 2.100 USD). Hiện, anh đang bắt đầu vào vụ cá thứ 3 với tương lai thu hồi vốn không còn xa nữa. Đánh giá về mô hình kinh doanh hiệu quả của anh Đức, anh Lèo Văn Bình, Bí thư Đoàn xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Đoàn viên Lò Văn Đức đã mạnh dạn, chủ động đầu tư, vay vốn Ngày hội tiết kiệm-Vì tương lai xanh, bước đầu đã tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mô hình này rất có tiềm năng và có thể nhân rộng ra các bản để đoàn viên thanh niên học hỏi và phát triển kinh tế hộ gia đình".

Động lực giúp thanh niên Sơn La khởi nghiệp - ảnh 3Mô hình nuôi cá lồng mở ra hướng phát triển bền vững trên lòng hồ sông Đà

Tận dụng mặt nước lòng hồ, hiện nay người dân xã Mường Trai đã đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng với 220 lồng cá các loại, mở ra nhiều cơ hội về phát triển kinh tế. Chị Quàng Thị Việt, ở Bản Phiêng Hua Nà, xã Mường Trai, chia sẻ: "Mường Trai có tiềm năng lớn về nuôi cá lồng, chúng tôi đã thăm quan mô hình của anh Lò Văn Đức để nhân rộng và phát triển mô hình nuôi cá lồng cho các đoàn viên thanh niên".

Cùng với nuôi cá lồng, gia đình anh Lò Văn Đức còn trồng gần 2 ha ngô, sắn, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng (4.200 USD). Với những người trẻ như Lò Văn Đức, việc tạo lập các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định chất lượng cuộc sống. Nguồn vốn vay ưu đãi chính là chìa khóa, là động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong mỗi đoàn viên thanh niên.

Động lực giúp thanh niên Sơn La khởi nghiệp - ảnh 4Cùng với nuôi cá lồng, gia đình anh Lò Văn Đức còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm

Anh Lò Văn Đức chia sẻ: "Để có nguồn vốn đầu tư 100 triệu rất là khó với chúng tôi, bây giờ được Ngân hàng chính sách cho vay thì rất biết ơn và cảm ơn ngân hàng. Từ nguồn vốn vay này đã giúp gia đình chúng tôi có thêm động lực để phát triển".

Mô hình khởi nghiệp của thanh niên Lò Văn Đức dù còn đang phát triển ở quy mô nhỏ, nhưng bước đầu khẳng định chính sách tín dụng có vai trò quyết định trong việc hình thành và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp trong thanh niên. Mô hình nuôi cá lồng vừa phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời mở ra hướng phát triển bền vững trên lòng hồ sông Đà.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu