Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện vùng cao Thuận Châu, tỉnh Sơn La, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2018, gia đình chị Hoàng Thị Thảo đến định cư tại bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. Sau một thời gian ổn định cơ sở vật chất, tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế phù hợp với nơi ở mới, gia đình chị Thảo quyết định trồng cây thanh long để phát triển kinh tế. Chị Thảo cho biết ban đầu gia đình chỉ trồng nhỏ lẻ, vừa làm vừa học hỏi để tích luỹ kinh nghiệm. Về sau, được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ 70% giống, phân bón để xây dựng mô hình thanh long theo tiêu chuẩn Quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản (VietGAP), đến nay gia đình đã có gần 2 héc ta thanh long, thu nhập gần 200 triệu đồng (hơn 7.000 USD)/năm.
Người dân được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, phát triển thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP - Ảnh: VOV |
Chị Hoàng Thị Thảo chia sẻ: "Phòng nông nghiệp hỗ trợ cho chúng tôi cả kĩ thuật trồng, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc và quy trình VietGAP. Từ đó đến nay chúng tôi thấy cây thanh long cũng hợp khí hậu thổ nhưỡng nên đã rải vụ và mở rộng ra. Trái Thanh long cho thu nhập so với những cây khác ổn định hơn, nên chúng tôi cũng yên tâm phát triển".
Với lợi thế diện tích đất rộng, có thể trồng nhiều loại cỏ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, huyện Thuận Châu đã phát triển ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Tại các xã vùng cao, người dân đã mở rộng diện tích trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng… Đến nay, toàn huyện đã có trên 90.000 con gia súc, gia cầm các loại. Gia đình anh Lường Văn Dẫn, bản Chiềng Ly, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, là hộ nghèo và năm ngoái được được hỗ trợ bò giống để tạo sinh kế, tăng thu nhập, chia sẻ: "Khi nhận được hỗ trợ là 1 cặp con bò giống, gia đình rất vui và phấn khởi. Gia đình sẽ chăm sóc để bò sinh sản được nhiều để phát triển kinh tế gia đình".
Huyện Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, với tổng số hơn 38.000 hộ dân, 5 dân tộc cùng chung sống. Thực hiện mục tiêu đưa huyện thoát nghèo vào năm 2025, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Cấp uỷ, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất...
Nhiều hộ được hỗ trợ bò giống, tạo sinh kế để tăng thu nhập - Ảnh: VOV |
Đến nay, toàn huyện đã có trên 16.000 lượt hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, với tổng số tiền hơn 720 tỷ đồng (gần 30 triệu USD). Huyện cũng tập trung tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 37% xuống còn gần 31%, hộ cận nghèo còn hơn 16%.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, nhấn mạnh: "Huyện Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, thay đổi tư duy để người dân tự vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, thực hiện tốt việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế; huy động nguồn lực xây dựng các mô hình và tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế trong nhân dân".
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng ý chí quyết tâm, nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, Thuận Châu đang từng bước tiến gần hơn mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025.