Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thích ứng để phát triển

PV
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều doanh nghiệp đã có bước đi táo bạo, hoàn thiện phương thức kinh doanh của mình để không bị tụt hậu. 

Tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Việt Nam tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và tăng ở hầu hết tất cả các lĩnh vực hoạt động. Đây là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế Việt Nam khi các doanh nhân, doanh nghiệp đã định hình chiến lược kinh doanh và đang thích ứng để phát triển, đóng góp vào thành quả chung của toàn nền kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thích ứng để phát triển - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: baodautu.vn
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
 

Trong tháng 1/2021, cả nước có hơn 10.000 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước cũng có 6.503 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng: "Năm 2020 đã giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển bền vững. Thực tiễn của một năm qua là một bài học rất quý giá cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc định hình lại chiến lược và mô hình kinh doanh có trách nhiệm, không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn phải trở thành cái tâm thế của cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, nếu muốn đi dài trên con đường kinh doanh của mình".

Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thích ứng để phát triển - ảnh 2Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ảnh: toquoc.vn

Để trụ lại được trong điều kiện kinh tế khó khăn để phát triển, nhiều doanh nghiệp đã có bước đi táo bạo, hoàn thiện phương thức kinh doanh của mình để không bị tụt hậu. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là phương thức mà nhiều doanh nghiệp hướng đến. Câu chuyện thực tế tại Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương - Vinaseed, từ doanh thu chưa đến 100 triệu đồng- hơn 10 năm trước, tăng lên đạt hơn 1.600 tỷ đồng vào thời điểm hiện nay, là một ví dụ điển hình của việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Trong 10 năm qua, Vinaseed đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinaseed, cho rằng: "Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia hội nhập toàn cầu, nâng cao chất lượng hoạt động thì chúng tôi tập trung cho khoa học, công nghệ. Chính nhờ thế thì hiệu quả và quy mô của công ty tăng lên rất nhanh. Đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng có khả năng thích ứng, dự báo trước thị trường. Hiện chúng tôi đã có các giống chịu hạn, giống chịu mặn, chống chịu với các điều kiện bất lợi của thời tiết… thì đó là vai trò của đổi mới sáng tạo, nó quyết định đến năng lực cạnh tranh".

Doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thích ứng để phát triển - ảnh 3Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinaseed - Ảnh: danviet.vn

Các chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ chính là giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Đàm Quang Thắng, Trưởng làng công nghệ Nông nghiệp TECHFEST 2020, Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam; ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) và ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT, nhấn mạnh: "Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện nay là một trong những yếu tố bắt buộc để chúng ta có lợi thế cạnh tranh, để chúng ta đứng trên một thế giới phẳng. Chúng ta đang hội nhập với các nước trên thế giới, tham gia vào các hiệp định FTA thì việc cạnh tranh hàng hoá ngày càng rõ rệt và muốn cạnh tranh được thì việc đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, để vào được các thị trường mà chúng ta đã ký kết là hết sức cần thiết. Khi chúng ta làm ra 1 đồng thì chúng ta phải trả 70%- 70 hào cho công cụ sản xuất và người lao động chỉ giữ lại 15% và nhà đầu tư là 15% - đây là nghiên cứu của Đại học MIT cách đây 3 năm và là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp khi chúng ta cạnh tranh. Nếu chúng ta chỉ dùng sức hoặc tiền thì chúng ta cũng thua- chỉ tương đương với 30% sản phẩm cuối. Chính vì thế chúng ta sẽ phải đi vào đổi mới công cụ và đó chính là vai trò của đổi mới sáng tạo là quan trọng nhất trong cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp".

Chính phủ Việt Nam luôn xác định doanh nghiệp là “tế bào” của nền kinh tế. Nếu như tế bào khỏe mạnh, phát triển thì cơ thể của toàn nền kinh tế khỏe mạnh. Nếu doanh nghiệp bứt phá thì nền kinh tế bứt phá. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu phát triển chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói. Cho nên cùng chính sách pháp luật và ngân sách, kể cả tín dụng cho công nghệ và con người của Nhà nước, cần khẳng định trung tâm đổi mới sáng tạo phải từ doanh nghiệp, phải lấy các loại hình doanh nghiệp làm trung tâm trong đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ".

Những năm gần đây, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã liên tục tăng và năm ngoái đứng ở vị trí thứ 45/126  nền kinh tế, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nếu như trước đây, 70% đầu tư cho khoa học công nghệ là từ ngân sách nhà nước, 30% từ doanh nghiệp, thì nay là 50/50. Trong dự thảo Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đều nhấn mạnh nội dung tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định sẽ tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho đất nước thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu