Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các địa phương ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình, nhằm tìm các giải pháp hiệu quả để phát triển các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.
Ảnh: chinhphu.vn |
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đặt ra các mục tiêu cụ thể về xây dựng giao thông nông thôn, giải quyết nhu cầu cấp thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, xây dựng các thiết chế văn hoá thôn bản, đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu...
Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao
Sau gần 3 năm thực hiện (2021 – 2023), chương trình góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm.
Các địa phương đã thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Ông Triệu Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết: "Vận động nhân dân phát huy tối đa nội lực, không trông chờ ỷ lại; song song với đó, thường xuyên động viên, hỗ trợ các hộ gia đình trong việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; định hướng hỗ trợ cho nhân dân để phát triển các mô hình kinh tế về chăn nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và đặc biệt là thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi vận động xã hội hóa để làm nhà ở, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo."
Từ năm 2021 đến 31-5-2023, chỉ tính riêng 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đã giải ngân được nguồn vốn gần 5.700 tỷ đồng (241 triệu USD), đạt hơn 21,46% kế hoạch của Chương trình. Dự tính đến hết năm nay, Chương trình hoàn thành các mục tiêu quan trọng, như: 99,2% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến được cứng hóa đạt trung bình 91,7%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 90,1%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt trung bình 92,3%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 98,6%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt trung bình 54,7%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 92,8%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92%.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Chính vì vậy, Ủy ban dân tộc các tỉnh thành cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả chương trình: “Chúng ta phải có trách nhiệm hướng dẫn cho cấp huyện, cấp xã. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền cấp tỉnh thì cấp tỉnh giải quyết, không cần phải chờ Trung ương. Các địa phương tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Đề nghị Ban Dân tộc các tỉnh là cơ quan chủ trì ở địa phương phải nắm sát, hằng tháng phải có báo cáo theo tiến độ, công việc đã triển khai như thế nào, kết quả đến đâu và vướng mắc gì…"
Tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 3 nghìn 434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố. Hiện hầu hết các chính sách dân tộc đã được tích hợp vào chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 hướng tới xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Các giải pháp đặc thù này sẽ được triển khai lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam.