Việc Việt Nam chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỷ lệ 84,7%, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình UPR, cũng như khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Cơ chế UPR là một cơ chế đặc thù của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc rà soát chính sách, pháp luật, biện pháp và kết quả đạt được trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Ảnh minh họa - Nguồn: VOV |
Đầu năm nay, Việt Nam đã nộp báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV tới Hội đồng Nhân quyền và đã có Phiên đối thoại với Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền về UPR vào tháng 5/2024, trong đó Việt Nam nhận được 320 khuyến nghị từ các nước.
Một quá trình dài chuẩn bị của Chính phủ Việt Nam
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam (26-28/9, tại Thụy Sỹ), cho biết việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chính thức thông qua Báo cáo theo cơ chế UPR chu kỳ IV là kết quả của một quá trình dài chuẩn bị của Chính phủ Việt Nam. Ngay sau phiên đối thoại vào tháng 5/2024, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tích cực tiến hành rà soát kỹ lưỡng tất cả 320 khuyến nghị nhận được từ các nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Thứ trưởng, tại phiên họp ngày 27/9, Việt Nam đã thông báo quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỷ lệ 84,7%: "Đây là tỷ lệ chấp thuận cao nhất của Việt Nam trong 4 chu kỳ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình UPR, cũng như khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Có khoảng 90 nước, các tổ chức quốc tế và một số tổ chức phi chính phủ tham dự phiên họp. Có thể nói, tuyệt đại đa số các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, sự tham gia của đoàn Việt Nam trong trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn, có nhiểu thông tin hữu ích, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình Việt Nam".
Nhân dịp này, đoàn Việt Nam cũng đã cập nhật thông tin về các tiến triển mới kể từ phiên đối thoại tháng 5/2024 trên các lĩnh vực, như: xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục bảo đảm các nền tảng cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.
Đồng thời, đoàn Việt Nam cũng đã kịp thời có những ý kiến phản bác những luận điệu sai lệch, sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng thể hiện định kiến về Việt Nam trong phát biểu của một số ít tổ chức phi chính phủ tại phiên họp.
Việt Nam khẳng định luôn tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp xây dựng chính sách pháp luật; khẳng định việc thực hiện các quyền con người cũng cần dựa trên thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của cá nhân, cộng đồng, vì sự ổn định và thịnh vượng của cả đất nước; nhấn mạnh quyết tâm không khoan nhượng trước những hành động lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để kích động, gây bất ổn.
Tọa đàm “Vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước”. Ảnh: Mai Phương/TTXVN |
Thông qua một Kế hoạch tổng thể nhằm triển khai thực hiện 271 khuyến nghị
Việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua kết quả báo cáo quốc gia của Việt Nam đánh dấu hoàn thành rà soát chu kỳ 4 liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Từ đây, Việt Nam bước sang giai đoạn thực hiện các khuyến nghị. Theo Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đỗ Hùng Việt, để thực hiện 271 khuyến nghị của các nước, Việt Nam sẽ triển khai một số công việc cụ thể: "Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và báo cáo Thủ tướng thông qua một Kế hoạch tổng thể nhằm triển khai thực hiện 271 khuyến nghị đã chấp thuận. Theo đó, sẽ có sự phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, cơ quan thực hiện các khuyến nghị, cũng như đề xuất cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện đó. Việt Nam cũng tiến hành kiểm điểm giữa kỳ để xác định tiến độ thực hiện và những lĩnh vực cần đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa. Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Liên hợp quốc, các đối tác quốc tế, các nước bạn bè để có thêm những nguồn lực giúp Việt Nam có thể thực hiện tốt nhất các khuyến nghị này".
Việc Việt Nam chấp thuận số lượng lớn các khuyến nghị và chuẩn bị Kế hoạch tổng thể nhằm triển khai 271 khuyến nghị đã cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tiến trình UPR nói riêng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung.