Trong nửa nhiệm kỳ Khóa XIII (2020-2025) của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam có nhiều bước tiến về xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược, góp phần khẳng định thành quả về công bằng xã hội của Việt Nam.
Việt Nam có 54 dân tộc. Bên cạnh dân tộc Kinh chiếm đa số là 53 dân tộc anh em, với khoảng 14,2 triệu người (gần 15% tổng dân số). Các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa ở Đông và Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Cả nước có 3.434 xã, phường, thị trấn nằm trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa miền ngược và miền xuôi.
Giảm nghèo đa chiều, tiến tới giảm nghèo bền vững
Từ Đại hội XIII, Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, năm ngoái, ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí hơn 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Kết quả là đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, an sinh xã hội luôn được bảo đảm; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng được thu hẹp. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm ngoái, số hộ nghèo đa chiều trên toàn quốc giảm khoảng 1,5%, số hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%, số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5% so với năm 2021.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết: “Được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành, cuộc sống của bà con các dân tộc đã được đầu tư hỗ trợ. So với những năm trước đây, đời sống kinh tế - xã hội của bà con nhân dân chuyển biến rõ nét. Hiện nay, hạ tầng đã được đầu tư kết nối, tạo ra các vùng phát triển kinh tế, xã hội; các mô hình sản xuất đã giúp cho bà con nhân dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong sản xuất, trong chăn nuôi.”
Nhiều chính sách phát triển bền vững ở Tây Nguyên
Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng của đất nước, chiếm 16,8% lãnh thổ và khoảng 6% dân số cả nước, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 36,52%. Tây Nguyên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục…
Đáng chú ý là Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo (Chương trình 30A); Chương trình 168, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 132, 134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; đã được triển khai, thực hiện quyết liệt và gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: “Ngành lao động, thương binh, xã hội tỉnh tham mưu cho chính quyền, cấp ủy cơ sở xây dựng những giải pháp cụ thể, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ trung ương; phối hợp với các mặt trận, đoàn thể, chính trị, xã hội các cấp để huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội để đầu tư cho người nghèo phát triển sản xuất.”
Nhờ sự quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh ở Tây Nguyên trong một thời gian dài luôn giữ ở mức khá, đời sống người dân được cải thiện. Kết quả rà soát năm ngoái của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy: Số nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) ở Tây Nguyên là 15,39% với 236.766 hộ. Đây là con số khá cao so với khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, song thấp hơn hẳn so với con số (21,92% với 701.461 hộ) vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Giảm nghèo thông tin - Giảm nguy cơ tụt hậu
Thực tế những năm qua cho thấy kết quả giảm nghèo ở Việt Nam chưa thực sự bền vững, các hộ thoát nghèo luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên vẫn là những khu vực khó khăn. Nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường cần phù hợp hơn với đặc điểm vùng, miền nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn khó khăn.
Để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi,Việt Nam đã tìm cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, nêu rõ: “Nói về giảm nghèo bền vững, chúng ta phải bám sát vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các chương trình mục tiêu. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong các giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu này của từng dự án hợp phần thì đã có những giải pháp hết sức cụ thể về nguồn lực, về quản lý điều hành, về công tác giám sát, kiểm tra; sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và vai trò của người dân trong từng dự án đó như thế nào.Trong quá trình triển khai thì cũng phải có những đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm và đồng thời tìm ra những thiếu sót, hạn chế để chúng ta bổ sung những chính sách phù hợp hơn.”
Trong số các giải pháp giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6), đã đặt mục tiêu bảo đảm 100% số xã với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này. Bên cạnh đó, thay đổi cách thức hỗ trợ cho người nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo tốt; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cách mà Việt Nam tiếp tục thực hiện nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khẳng định bước tiến về công bằng xã hội của Việt Nam./.