Ngày 21/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường Diên Hồng (nhà Quốc Hội) về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng trong chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, cuộc sống của mọi người dân.
Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại phiên thảo luận, các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ đất đai, đảm bảo dân chủ, công khai, khắc phục những hạn chế về lãng phí trong sử dụng đất đai.
Tham gia phát biểu về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho biết so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, dự thảo Luật lần này đã mở rộng hơn các trường hợp thu hồi đất. Tuy nhiên, theo đại biểu, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc các trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, nhất là khi có yếu tố thương mại chi phối hoặc đan xen.
Để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, cần quy định chế tài đối với các công trình, dự án có đăng ký nhu cầu sử dụng đất nhưng không triển khai được trên thực tế.
Về việc đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đại biểu Nàng Xô Vi, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ về đảm bảo có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, chính sách tài chính đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số về đất đai... Ngoài ra, theo đại biểu, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo đất cho người dân tộc thiểu số: “Đề nghị sửa đổi quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương và sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, trong đó tập trung vào quỹ đất nông nghiệp do xã, cộng đồng dân cư quản lý. Đặc biệt là diện tích do các nông, lâm trường quản đã bàn giao về cho địa phương quản lý”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số phải thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội.