Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV - Ảnh: quochoi.vn |
Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, kỳ họp thứ V, sáng nay (19/6), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường Diên Hồng (nhà Quốc hội) về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là 1 trong 10 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo luật, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị tập trung phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê, thay vì bán, để giảm gánh nặng tài chính cho người thu nhập thấp. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, thực tế, người thu nhập thấp chủ yếu là công nhân, lao động mới đi làm. Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức với đại bộ phận người có thu nhập thấp. Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tách bạch quy định, chính sách loại hình nhà ở để bán với nhà ở cho thuê và thuê mua.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Ảnh: Gia Hân/quochoi.vn |
Nhấn mạnh quyền có chỗ ở hợp pháp luôn là nhu cầu chính đáng của người dân, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cho rằng cần có chính sách mạnh mẽ, đột phá để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê: "Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 đã ghi rõ phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế xã hội".
Về nguồn lực, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, khi chính phủ rà soát đất công, tài sản công còn hoang phí, Quốc hội giám sát chặt chẽ thì sẽ có nguồn lực tài chính rất lớn đầu tư nhà cho người lao động thuê.
Liên quan đến vấn đề về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, một số ý kiến cho rằng nội dung này cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ với các quy định về chính sách đất đai, bất động sản, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.